Thứ Sáu, 26/04/2024 16:57:12 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2015

Lượt xem: 4089

Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại ngành đồ uống khu vực Hà Nội

Thực hiện nhiệm vụ tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững, ngày 23/9/2015, Bộ Công Thương và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại ngành đồ uống khu vực Hà Nội.
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại ngành đồ uống khu vực Hà Nội
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Ngày càng chiếm lĩnh thị trường nội địa

 

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương (đơn vị thường trực BCĐ Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ) nhấn mạnh: “Hội nghị kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp thương mại ngành Đồ uống khu vực Hà Nội” là một trong những hoạt động thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020; đồng thời Hội nghị cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng Tuần nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2015 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức từ ngày 27/9 – 04/10/2015 tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, thời gian qua, ngành Bia – Rượu – Nước giải khát đã phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đặt ra. Ngành Bia – Rượu – Nước Giải khát có giá trị gia tăng chiếm tới 28,5% của ngành sản xuất; nộp ngân sách thông qua thuế tiêu thụ đặc biệt và các loại thuế khác chiếm trên 2,5% tổng mức thu ngân sách nhà nước. Năm 2014, ngành Đồ uống nộp ngân sách Nhà nước 25.780 tỷ đồng. Đặc biệt, ngoài đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, ngành Đồ uống còn tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng một triệu lao động.

 

Đánh giá về vai trò của các sản phẩm ngành Đồ uống, bà Lê Việt Nga cho biết, ngành Bia chiếm khoảng 3 – 4% lao động nhưng tạo ra khoảng 7% giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nhờ vào năng suất lao động cao. Ngành Đồ uống phát triển trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy các ngành khác phát triển theo như: nông nghiệp, vận tải, cơ khí, hóa sinh, sản xuất bao bì, dịch vụ, v.v… Đồng thời ngành này còn có những đóng góp đáng kể vào công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương, nơi có các nhà máy sản xuất và các hoạt động cộng đồng khác.

 

 

Ông Vũ Văn Việt, Chủ tịch VBA

 

Khái quát về ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, ông Vũ Văn Việt, Chủ tịch VBA cho biết, từ lâu, bia, rượu, nước giải khát gắn với văn hóa ẩm thực, đặc biệt trong các ngày hội, lễ tết. Nếu như rượu có lịch sử lâu đời nhưng sản xuất nhỏ, thủ công thì bia, nước giải khát là ngành công nghiệp mới, phát triển nhanh. Trong bối cảnh hiện nay, với hệ thống nhà máy, công nghệ hiện đại, chắc chắn chất lượng và năng suất sản phẩm sẽ tăng cao và phong phú.

 

Ông Vũ Văn Việt nhấn mạnh, hệ thống thương mại trong nước để phân phối sản phẩm đồ uống hiện nay đã ngày càng giúp sản phẩm chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho xã hội, đóng góp 2,5% tổng ngân sách Nhà nước, làm tốt công tác từ thiện xã hội.

 

Liên kết tạo hệ thống khép kín

 

Giới thiệu sơ lược về các sản phẩm của ngành Đồ uống, Chủ tịch VBA Vũ Văn Việt cho biết, về ngành Bia, tỷ lệ tăng qua các năm có xu hướng giảm dần. Năm 2014, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn SABECO hầu như không tăng và Tổng công ty Bia – Rượu – Nước Giải khát Hà Nội HABECO tăng nhẹ 4% so với năm 2013. Nhiều công ty lớn tham gia thị trường, tăng áp lực cạnh tranh. Với ngành Nước giải khát, do đặc thù là loại đồ uống không có cồn nên được nhiều ưu đãi, khuyến khích phát triển cao, do đó có tỉ lệ tăng trưởng tốt và ổn định. Ngành Rượu thì ngược lại, chưa được khuyến khích phát triển xứng đáng, chưa thay thế được rượu kém chất lượng, lậu, nhái, v.v… Rượu công nghiệp sản xuất trong nước hầu như không tăng trong những năm gần đây. Khó khăn đặt ra với ngành Rượu là tình trạng rượu phi thương mại vẫn được sử dụng phổ biến và Nghị định số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý rượu song vẫn còn nhiều bất cập, v.v…

 

Trước áp lực cạnh tranh và xu hướng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngành Đồ uống trong nước cũng đứng trước nhiều thách thức và một trong những lo ngại lớn chính là khả năng thu hẹp quy mô sản xuất.

 

 

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cùng trao đổi, bàn về những thuận lợi và khó khăn trong mối liên kết giữa sản xuất và hệ thống thương mại ngành Đồ uống. Từ đó thống nhất ý kiến cho rằng, việc liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất và thương mại là động lực quan trọng giúp ngành Đồ uống có một vị thế lớn hơn, nhằm giảm chi phí cũng như có thể tạo ra một hệ thống khép kín từ sản xuất - phân phối - lưu thông để phục vụ người tiêu dùng một cách tốt nhất. Từ đó, sản phẩm đồ uống của người Việt có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, để người Việt Nam ngày càng ưu tiên sử dụng hơn.

 

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Lãnh đạo VBA và Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương hy vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành Đồ uống sẽ nỗ lực hơn nữa trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là các sản phẩm đồ uống có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, đồ uống đặc sản truyền thống gắn với văn hóa, du lịch trong nước. Đồng thời các doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để tạo ra những chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng sản phẩm đồ uống Việt Nam chiếm lĩnh thị trường nội địa, vươn tới thị trường thế giới, khẳng định vị thế của sản phẩm ngay chính sân nhà trong bối cảnh quốc tế hóa cạnh tranh gay gắt hiện nay.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang