Thứ Hai, 29/04/2024 11:05:37 GMT+7

Tin đăng lúc 25-09-2019

Lượt xem: 4833

VICEM: Cổ phần hóa và tái cấu trúc là nhiệm vụ sống còn

Với yêu cầu phải hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đang cho thấy những nỗ lực mạnh mẽ nhằm thoái vốn, tái cấu trúc và tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.
VICEM: Cổ phần hóa và tái cấu trúc là nhiệm vụ sống còn
Băng tải vận chuyển sản phẩm của Nhà máy xi măng Hạ Long.

Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam có tên trong danh sách 62 doanh nghiệp cổ phần hóa nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, VICEM sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2019 – 2020. Với mục tiêu không để mất vốn Nhà nước, tuân thủ đúng nguyên tắc trình tự, đúng pháp luật, VICEM hiện đang thực hiện thoái vốn đầu tư với các lĩnh vực ngoài ngành và ưu tiên tập trung nguồn lực cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của mình.

 

Nhanh chóng thoái vốn đầu tư ngoài ngành

 

Thời gian qua, VICEM đã cho dừng nhiều dự án dở dang và tiến hành chuyển nhượng dự án không thuộc ngành nghề chính để thu hồi vốn. Trong đó phải kể đến dự án Trung tâm điều hành và giao dịch kết hợp cho thuê văn phòng đang xây dựng dở dang trên diện tích gần 8.500 m2 với quy mô 31 tầng nổi, 4 tầng hầm và tổng diện tích sàn 81.000 m2.

 

Hiện tại, VICEM đã thanh toán 376 tỷ đồng tiền đất, 1.223 tỷ đồng tiền xây dựng, phần chưa thanh toán còn khoảng hơn 800 tỷ đồng. Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng đánh giá và chuyển nhượng dự án này theo hình thức đấu giá công khai minh bạch. Ngoài ra, VICEM cũng đang tiếp tục thoái vốn trong các dự án khác như: Dự án xây dựng Khu tổng hợp Vĩnh Tuy; Dự án Nhà máy Kết cấu bê tông - Vật liệu xây dựng không nung; Dự án khu cảng Đông Hồi…

 

Theo báo cáo tài chính của VICEM, tính đến cuối năm 2018, Tổng công ty đang bị đọng khoản vốn 881 tỷ đồng tại các dự án kể trên. Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc VICEM cho biết: “Chúng tôi phải thoái toàn bộ phần vốn đầu tư không thuộc ngành nghề chủ chốt đã đầu tư ra bên ngoài trong thời gian qua để phục vụ tái cơ cấu VICEM và cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ”. Ông Minh cũng cho biết, tất cả các dự án VICEM đầu tư ngoài ngành Xi măng đều có vấn đề và có hiệu quả rất thấp, VICEM chỉ nên làm đúng ngành nghề chính là sản xuất xi măng.

 

 

Trong dây chuyền sản xuất xi măng ở VICEM Hà Tiên 1

 

Đẩy mạnh tái cấu trúc, đầu tư chiều sâu cho lĩnh vực chính

 

VICEM hiện sở hữu 10 doanh nghiệp sản xuất xi măng nhưng một số công ty con đang hoạt động kém hiệu quả, cần phải nhanh chóng tái cấu trúc. Chủ trương của Chính phủ cũng yêu cầu lộ trình cổ phần hóa của VICEM phải đi kèm với nhiệm vụ tái cơ cấu 02 nhà máy xi măng Hạ Long và Sông Thao. Sau khi được VICEM tiếp nhận, tình hình sản xuất kinh doanh tại các nhà máy xi măng Hạ Long và Sông Thao đang dần tốt lên, đã chấm dứt lỗ, kinh doanh có lãi để trả nợ cho Bộ Tài chính hơn 1.000 tỷ đồng.

 

Dù vậy, nhiệm vụ tái cấu trúc của VICEM đang đặt ra nhiều thử thách. Tốc độ cổ phần hóa của Tổng công ty này đang phải phụ thuộc nhiều vào việc giải quyết những khoản nợ và lỗ lũy kế của các công ty thành viên. Tính đến hết năm 2018, Xi măng Hạ Long đang lỗ lũy kế khoảng 3.580 tỷ đồng và Xi măng Sông Thao lỗ lũy kế 410 tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh tại các công ty con khác của VICEM như Bút Sơn, Bỉm Sơn, Hoàng Mai, Tam Điệp… vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi để có thể hoàn tất việc trả nợ và định giá.

 

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng Giám đốc VICEM cho biết, trong nguyên tắc tài chính Tổng công ty mẹ không cấp vốn cho các công ty bị lỗ, mà các công ty thành viên phải hạch toán độc lập theo luật. Vì thế việc bù lỗ lũy kế cho các công ty thành viên phải theo lộ trình, giải quyết từng bước: Chấm dứt lỗ, trả nợ cũ và bù đắp lỗ lũy kế.

 

Song song với việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành và tái cấu trúc các công ty thành viên, VICEM nhận thức rõ cần tập trung đầu tư chiều sâu vào lĩnh vực chính (sản xuất xi măng) chính là định hướng phát triển lâu dài. Theo đó, VICEM đang có kế hoạch đầu tư mạnh vào mảng xi măng rời và bê tông tươi dựa theo nhu cầu ngày càng gia tăng của thị trường những năm tới. Sử dụng bê tông tươi, xi măng rời trong các công trình xây dựng đang dần trở thành xu thế thịnh hành trong xây dựng dân dụng. Với thế mạnh sẵn có từ sản xuất xi măng bao chất lượng cao, VICEM có nhiều thuận lợi khi tham gia vào cuộc chơi mới này.

 

Trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm tiêu thụ của VICEM ước đạt hơn 14,6 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ xi măng (gồm cả xuất khẩu) đạt hơn 12,8 triệu tấn, tăng tới 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của toàn VICEM cũng tăng 53% so với cùng kỳ. Đây chính là mức lợi nhuận 6 tháng cao nhất trong nhiều năm gần đây, trong đó lợi nhuận của khối các công ty sản xuất xi măng tăng 21% so với cùng kỳ.

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang