Thứ Hai, 29/04/2024 09:15:22 GMT+7

Tin đăng lúc 21-03-2022

Lượt xem: 1137

VICEM: Vượt qua bão dịch, hướng tới thắng lợi mới

Năm 2021 đi qua với những thách thức chưa từng có tiền lệ về thị trường, sản xuất, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đang hướng tới những mục tiêu mới khi tình hình sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu tích cực.
VICEM: Vượt qua bão dịch, hướng tới thắng lợi mới
Tổng giám đốc cùng các Công ty ký cam kết thực hiện thắng lợi nhiệm vụ SXKD Quý I và cả năm 2022

Theo số liệu thống kê, nguồn cung xi măng năm 2021 đạt 106 triệu tấn, trong khi đó, thị trường nội địa (nơi hấp thụ khoảng 65% nguồn cung) năm qua sụt giảm tới 4,3 - 6% so với năm 2020, chỉ còn khoảng 58,5 - 59,5 triệu tấn. “Cung vượt quá cầu” lâu nay vẫn là tình cảnh quen thuộc của ngành Xi măng, nhưng khi đặt trong bối cảnh đại dịch hoành hành suốt hai năm vừa rồi, bức tranh ấy lại càng có thêm nhiều gam màu ảm đạm hơn.

 

Ở quý IV năm 2021, cùng với việc cả nước thay đổi chính sách phòng chống Covid-19, chuyển sang “thích ứng an toàn” với dịch bệnh, VICEM đã ghi nhận những tín hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh. Nhờ đẩy mạnh tiêu thụ trong quý IV, kết thúc năm 2021, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của VICEM đều cơ bản cán đích kế hoạch. Cụ thể, sản lượng sản xuất clinker đạt 21,47 triệu tấn, sản lượng sản xuất xi măng đạt 24,1 triệu tấn, giảm nhẹ 2,1% so với năm 2020.

 

Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 29,44 triệu tấn, tương đương năm 2020, trong đó, tiêu thụ xi măng (bao gồm xuất khẩu) đạt 24,16 triệu tấn, tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 5,28 triệu tấn, đạt 122,9% kế hoạch năm 2021 và tăng 10,6% so với năm 2020.

 

Tổng doanh thu của VICEM ước đạt 33.806 tỷ đồng, tương đương năm 2020. Lợi nhuận trước thuế (chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ) ước đạt 2.050 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,3% so với năm 2020. Nộp ngân sách nhà nước đạt 2.135 tỷ đồng, đạt 98,7% kế hoạch năm 2021. Đây có thể coi là một kết quả ấn tượng, là nỗ lực gồng mình của cả tập thể CBCNV, giúp VICEM vượt qua những giờ phút khó khăn nhất.

 

Dù vậy những khó khăn, thách thức vẫn luôn hiện hữu. Theo báo cáo của VICEM, năm 2022 thị trường xi măng trong nước dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do xây dựng dân dụng phục hồi chậm, cần có thời gian và giải pháp để khôi phục dần kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống sau thời gian giãn cách xã hội. Nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao, dự kiến đạt 107 triệu tấn. Trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến chỉ từ 63 - 64 triệu tấn. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các thương hiệu xi măng trong nước.

 

Thị trường xuất khẩu xi măng dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, giá cước vận chuyển còn cao... Bên cạnh đó, xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ xi măng bao sang xi măng rời tiếp tục làm giảm lợi thế về giá trị thương hiệu xi măng VICEM, dẫn đến giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Giá vật tư, nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, đặc biệt chi phí năng lượng (than, dầu...) dự báo vẫn tiếp tục tăng cao.

 

Trong tình thế khó khăn, thách thức bủa vây ấy, VICEM vẫn đang đề ra những kế hoạch, mục tiêu giàu tham vọng cho năm 2022. VICEM dự kiến đạt tổng sản phẩm tiêu thụ trên 30 triệu tấn, tăng hơn 3% so với thực hiện năm 2021; tổng doanh thu khoảng 37.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10%; lợi nhuận trước thuế phấn đấu không thấp hơn năm 2021 và nộp ngân sách Nhà nước khoảng 2.500 tỷ đồng, tiền lương bình quân của người lao động năm 2022 phấn đấu tăng 5% so với năm 2021…

 

 

Ông Lê Nam Khánh - Tổng giám đốc VICEM báo cáo kết quả SXKD 2021 

 

Để hoàn thành những mục tiêu quan trọng cho năm bản lề 2022, VICEM sẽ tiếp tục chú trọng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tập đoàn cũng sẽ tăng cường theo dõi, giám sát, vận hành và duy trì thiết bị hoạt động ổn định, dài ngày, an toàn và đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết giảm các tiêu hao. VICEM sẽ chủ động xây dựng các kịch bản, linh hoạt điều hành, cân đối năng lực sản xuất, tiêu thụ, tối ưu hiệu quả trong sản xuất.

 

Tập đoàn cũng xác định phải xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch sửa chữa lớn các dây chuyền, thiết bị, trong đó, ưu tiên sử dụng vật tư, phụ tùng trong nước sản xuất nhằm tiết giảm chi phí, tăng cường bảo dưỡng, bảo trì và duy trì thiết bị luôn ở trạng thái tốt nhất, sẵn sàng khai thác tối đa năng lực thiết bị đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công tác phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường tại các dây chuyền sản xuất xi măng cũng phải luôn luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và thiết bị và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.

 

Để phục vụ sản suất, năm 2022, VICEM sẽ chủ động đảm bảo nguồn cung than cho các dây chuyền hoạt động liên tục và tăng cường sử dụng các loại nhiên liệu thay thế khác tại những đơn vị có tiềm năng và lợi thế. Hiện năng lực sản xuất của cả hệ thống VICEM đã được nâng cao thông qua các chương trình tối ưu hóa sản xuất; đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cải tiến thiết bị; tập trung đầu tư chiều sâu trong sản xuất clinker xi măng để nâng cao hiệu suất, chất lượng sản phẩm; giảm tiêu hao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.

 

Đặc biệt, VICEM cũng tiếp tục triển khai chương trình kinh tế tuần hoàn, tăng cường sử dụng chất thải từ các ngành công, nông nghiệp khác (bùn thải, rác thải), tro, xỉ, thạch cao nhân tạo... để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên không tái tạo (đá vôi, sét, than...) nhằm giảm giá thành sản xuất; đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường. Tin rằng, với tinh thần đoàn kết vượt khó của tập thể CBCNV, VICEM sẽ về đích thắng lợi trong năm 2022, mở ra một chương mới cho Tập đoàn, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ sau những thách thức chưa từng có của đại dịch.

 

Minh Phương

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang