Tỷ lệ nội địa hóa còn thấp
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 50 DN tham gia trong lĩnh vực lắp ráp ô tô và gần 300 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford… đều đã có mặt tại Việt Nam, kéo theo đó là một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện, phụ tùng nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội địa được cải thiện. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng, đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô tại Việt Nam nói chung vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 65-70% của các nước trong khu vực và mức 80% của Thái Lan.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe con dưới 9 chỗ trong nước là nhập khẩu, tỷ lệ nội địa chỉ chiếm khoảng 15%, trong khi tỷ lệ này của Thái Lan và Indonesia là 90%, linh kiện nhập khẩu chỉ chiếm 10% nằm ở động cơ và hộp số.
Có thể thấy rằng, CNHT của VN chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của các DN sản xuất lắp ráp ô tô trong nước. Hiện nay các DN CNHT trong nước mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp như: Gương, kính, ghế ngồi, bộ dây điện, ắc quy, săm lốp, sản phẩm nhựa, một số chi tiết linh kiện khác vẫn phải nhập khẩu do chi phí sản xuất trong nước cao gấp 2 lần so với giá thành sản xuất của các nước khác.
Sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa thấp, cùng với đó là chi phí vận chuyển cao do phải nhập khẩu phần lớn linh kiện đã khiến chi phí sản xuất xe trong nước đội lên cao hơn từ 10-20% so với Thái Lan và Indonesia.
Cần bổ sung hoàn thiện chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN CNHT phát triển
Dung lượng thị trường nhỏ
Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù tốc độ phát triển của ngành công nghiệp ô tô VN là khá cao, song, dung lượng thị trường tại VN lại nhỏ hơn so với nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng ¼ Thái Lan, Indonesia và bằng ½ Malaysia.
Thực tế cũng cho thấy, sức cạnh tranh của các nhà sản xuất ô tô trong nước không cao do chi phí sản xuất lớn, kinh nghiệm và công nghệ của VN cũng hạn chế hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, xe nhập khẩu chiếm khoảng 40% số xe bán ra ở thị trường nội địa, vì vậy, dung lượng thị trường VN đã hẹp lại càng hẹp hơn. Đây chính là một trở ngại khiến công nghiệp ô tô trong nước chưa thể bứt phá để trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đầu ra gặp khó khăn… càng tăng thêm thách thức cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà. Trong điều kiện thương mại tự do như hiện nay, nếu Việt Nam không quyết tâm, không có các giải pháp phù hợp để phát triển ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là CNHT, thì việc bị các nước đi trước có nền công nghiệp phát triển ở trình độ cao hơn chiếm lĩnh thị trường là điều khó tránh khỏi.
CNHT cần phải có tầm nhìn toàn cầu
Công nghiệp ô tô là ngành có sự tác động lớn đối với những ngành khác. Không chỉ là sản xuất những chi tiết, bộ phận ô tô mà đằng sau đó là cả một ngành công nghiệp vật liệu. Vì vậy, cần có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển, cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để giải quyết bài toán này, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đặc biệt là CNHT, phải có tầm nhìn toàn cầu, ít nhất là tầm nhìn khu vực, chứ không chỉ là CNHT cho ngành ôtô trong nước. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần phải gắn với chuỗi giá trị lớn nhằm tận dụng những lợi thế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó, DN Việt phải nắm được công nghệ. Điều này đòi hỏi DN vừa phải có giải pháp chuyển giao công nghệ, vừa phải có năng lực nghiên cứu và phát triển tốt, mà để những giải pháp trên được triển khai hiệu quả thì đòi hỏi phải có chính sách đồng bộ và hành lang pháp lý đủ rộng để DN yên tâm đầu tư lâu dài.
Cũng theo TS. Võ Trí Thành, những chính sách hỗ trợ như miễn giảm thuế cũng rất quan trọng nhưng chưa đủ. Chính sách cho ngành ô tô cần chú trọng vào ba vấn đề chính: Thứ nhất là kích cung, giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng, quản lý người lao động, kết nối chuỗi giá trị để khuyến khích, hỗ trợ DN trong nước tạo ra những sản phẩm chất lượng, có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với các cam kết quốc tế. Thứ hai là kích cầu, thúc đẩy thị trường tăng trưởng ổn định. Thứ ba là giải quyết vấn đề cạnh tranh, phát triển khi tiến tới sản xuất những dòng ô tô mới.
Hiện nay Việt Nam có 3 DN lớn là Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast, ngoài sản xuất lắp ráp ô tô thì các DN này cũng đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Đây là những cái tên được kỳ vọng sẽ là tác nhân để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô và CNHT phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các DN thì Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô và linh kiện ô tô tăng tỷ lệ nội địa hóa, tăng quy mô thị trường, nâng cao năng lực cho DN CNHT... Điều quan trọng là các chính sách phải có sự ổn định, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này./.
Minh Vũ