Thứ Tư, 16/04/2025 12:16:49 GMT+7
Lượt xem: 666

Tin đăng lúc 15-04-2025

Hà Nội trao quyết định cho 14 làng nghề truyền thống và chứng nhận 108 sản phẩm OCOP cấp thành phố

Sáng 15/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định và trao bằng công nhận các danh hiệu làng nghề và chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố năm 2024.
Hà Nội trao quyết định cho 14 làng nghề truyền thống và chứng nhận 108 sản phẩm OCOP cấp thành phố
Toàn cảnh hội nghị

Theo đó, thành phố Hà Nội đã trao Bằng công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống”, “Làng nghề truyền thống” và “Làng nghề Hà Nội” cho 14 làng.

 

Sản phẩm Diều sáo của làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng tham gia trưng bày tại Hội nghị

 

 

Các làng nghề: Làng nghề mộc Vạn An (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây), làng nghề mộc Hát Môn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ), làng nghề may Chung Chản (xã Vân Từ, huyện Phúc Xuyên) được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”. Làng nghề thêu thôn Cổ Chất (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín); làng nghề giày da thôn Giẽ Hạ và Giẽ Thượng (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên); làng nghề ướp trà sen Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ) được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống…

 

 

Sản phẩm mới của Cơ sở sản xuất Tinh bột nghệ Bà Bé (huyện Gia Lâm). Theo chủ cơ sở, được sự quan tâm của thành phố và huyện Gia Lâm, sản phẩm Tinh bột nghệ của cơ sở đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, giúp cho việc phát triển, mở rộng thị trường trong nước rất thuận lợi 

 

Các nghề sản xuất cốm phố Hàng Than và đúc đồng Ngũ Xã (cùng ở phường Trúc Bạch, quận Ba Đình); làm diều sáo làng Bá Dương Nội (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); kim hoàn, đậu bạc làng Định Công (phường Định Công, quận Hoàng Mai); cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ)… được công nhận danh hiệu “Nghề truyền thống” Hà Nội.

 

 

Bánh cốm Bảo Minh đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ. Theo bà Nguyễn Thị Tính - TGĐ Công ty Cổ phần Bánh mwust kẹo Bảo Minh, các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm OCOP cần tận dụng và phát huy giá trị của chứng nhận này để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã để tiếp cận với nhu cầu khách hàng, tạo đầu ra cho sản phẩm

 

Cùng với đó, thành phố Hà Nội đã trao quyết định công nhận cho 108 sản phẩm của 17 quận, huyện được UBND thành phố chứng nhận đạt 4 sao, tiềm năng 5 sao năm 2024.

 

 

Chủ cơ sở sản xuất Ô Mai ở huyện Thanh Oai cho biết, Chứng nhận OCOP giúp đơn vị đẩy mạnh xây dựng thương hiệu riêng thay vì sản xuất gia công cho đơn vị khác

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Đình Hoa – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội cho biết: Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu UBND Thành phố đã tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 14 làng nghề; đánh giá, phân hạng được 606 sản phẩm, đạt 166% so với kế hoạch năm 2024, vượt chỉ tiêu kế hoạch 206 sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ có 108 sản phẩm của 17 quận, huyện được UBND Thành phố chứng nhận đạt 4 sao, tiềm năng 5 sao; kết quả này cho thấy bộ tiêu chí OCOP ngày càng được siết chặt nhằm nâng cao vị thế, chất lượng của sản phẩm OCOP.

 

 

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội phát biểu tại hội nghị

 

Bên cạnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường Hà Nội đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục: Mặc dù năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác quản lý và hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP; Tuy nhiên, qua theo dõi và triển khai thực hiện cho thấy vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là: Việc xét công nhận làng nghề tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, việc tạo điều kiện cân đối nguồn kinh phí để xây dựng phương án Bảo vệ môi trường cho làng nghề đảm bảo hồ sơ, tiêu chí xét công nhận theo quy định, dẫn đến nhiều làng nghề đáp ứng các tiêu chí về số hộ, hoạt động sản xuất, kinh doanh,… nhưng không đáp ứng tiêu chí về môi trường.

 

 

Sản phẩm OCOP của Hà Nội đã đi vào tiềm thức của khách hàng. Việc lựa chọn sản phẩm OCOP đã trở thành thói quen tiêu dùng của người dân Thủ đô.

 

 

Sản phầm Chè kho Bằng An (Chè kho Đại Đồng) và Chè lam Thạch Xá ngày càng được cải tiến về mẫu mã, chất lượng

 

Một số sản phẩm OCOP tham gia dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ (thiếu kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với hàng thủ công mỹ nghệ; trang trí; hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, trang website,…); bao bì vẫn còn đơn giản chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng; đặc biệt câu chuyện sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất và mong mỏi của công chúng tiêu dùng với sản phẩm đem lại cho họ. Chính vì vậy giá trị gia tăng của sản phẩm chưa được cao so với kỳ vọng,...

 

 

Sản phẩm OCOP Cà gai leo Sadu của Công ty Thăng Long (huyện Chương Mỹ) đã tiếp cận hàng trăm nghìn khách hàng thông qua việc triển khai kênh bán hàng online

 

Để thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển ngành nghề nông thôn, duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Môi trường đề nghị: Văn phòng NTM Trung ương tiếp tục quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ Hà Nội trong việc đánh giả công nhận sản phẩm 5 sao, phấn đấu trong năm 2025 có thêm ít nhất 30 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao; Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Hà Nội ở thị trường trong nước và quốc tế.

 

 

HTX dịch nông nghiệp Văn Đức(huyện Gia Lâm) có 6 nhóm sản phẩm sau được công nhận đạt OCOP 4 sao. 

 

Văn phòng điều phối NTM Thành phố tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm cần đi vào chiều sâu, thực chất, lựa chọn các sản phẩm thế mạnh, chủ lực để hỗ trợ đẩy mạnh phát triển, đặc biệt chú trọng phát triển các sản phẩm tiềm năng 5 sao trình Trung ương công nhận, phấn đấu trong năm 2025, có khoảng 30 sản phẩm 5 sao. Tăng cường tổ chức các sự kiện, phối hợp với các tỉnh thành trong nước cũng như các sự kiện quốc tế để quảng bá sản phẩm OCOP, Làng nghề Hà Nội.

 

 

Trà sen Quảng An đã và đang phát huy được giá trị độc đáo của mình giữa thị trường trà đa dạng trong nước

 

Phòng Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Môi trường): Tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 15/01/2025 của UBND Thành phố về việc phê duyệt “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham mưu Thành phố trong công tác phối hợp với Hội đồng Thủ công thế giới phê duyệt có thêm ít nhất 02 làng nghề của Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn Thế giới trong năm 2025.

 

 

Đại diện Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu cho các làng nghề

 

UBND cấp huyện, cấp xã tiếp tục quan tâm tập trung đẩy mạnh phát triển các làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống để duy trì, tôn vinh gắn kết với phát triển sản phẩm OCOP để hình thành các điểm đến du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.

 

 

Thành phố Hà Nội trao tặng quyết định công nhận OCOP 4 sao cho các chủ thể OCOP

 

Các làng nghề, chủ thể OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, cải tiến bao bì mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng tinh xảo, cuốn hút người tiêu dùng; Ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh quảng bá đa dạng trên các nền tảng số, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

 

MN


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang