Trong 05 năm (2018- 2023), được sự chỉ đạo hướng dẫn của Ban Chấp hành Hội Nông dân Thành phố Hà Nội; Sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, sâu sát của Huyện ủy và các Cấp uỷ cơ sở; Sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, các cấp Hội Nông dân Thạch Thất đã ra sức tập hợp, đoàn kết cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện vượt qua nhiều khó khăn, phát huy tích cực vai trò chủ thể, trung tâm của giai cấp nông dân trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân huyện lần thứ X, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững sự ổn định và đảm bảo an ninh quốc phòng do Cấp uỷ, Chính quyền huyện đề ra.
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đều xây dựng và triển khai Kế hoạch “Tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới”. Cùng với nhiệm vụ đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đã được đông đảo hội viên tham gia trên tinh thần xã hội hoá, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; Trong 5 năm, cán bộ, hội viên nông dân đã tham gia hiến góp 1.200 m2 đất, đóng góp 2,6 tỷ đồng, 22.800 ngày công lao động tu sửa, làm mới đường giao thông nông thôn, nâng cấp sửa chữa kênh mương nội đồng, làm hệ thống điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm. Trong lĩnh vực văn hoá, các cấp Hội đã chú trọng vận động các gia đình hội viên tích cực đăng ký và phấn đấu xây dựng gia đinh đạt tiêu chí “Gia đình văn hoá”, tham gia đóng góp xây dựng thôn, làng văn hoá. Hàng năm, có trên 95% gia đình hội viên đăng ký và có trên 90% hộ đạt gia đình văn hoá; Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng cũng được đẩy mạnh, làm phong phú thêm đời sông tinh thần ở nông thôn. Đặc biệt là, các cấp Hội đã 2 đợt tổ chức hội thi “ Nhà nông đua tài”, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; Đội thi của huyện tham gia hội thi cấp thành phố đạt giải Ba. Hội thi đã tạo không khí phấn khởi, gắn kết trong các thôn xã; ngoài ra, các cấp Hội đã tổ chức 68 giải thể thao, tham gia tích cực Hội thao nông dân do Thành phố tổ chức hàng năm.
Các đại biểu tham dự Đại hội
thực hiện 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh”, các cấp hội đã chủ động phối hợp thực hiện tốt các hoạt động xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường, tích cực hưởng ứng cuộc thi xây dựng Thôn dân cư “sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn”; Đã có 21 hàng cây nông dân, hàng cây “nông dân ơn Bác”; 18 “đoạn đường nông dân tự quản”; Đã phối hợp với Hội LHPN, Đoàn Thanh niêm tổ chức hàng trăm đợt ra quân làm vệ sinh, sạch đồng ruộng. Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thành uỷ, Chỉ thị số 10 của Huyện uỷ và đề án 13 của UBND huyện, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện đã tích cực hưởng ứng thực hiện việc tang văn minh, tiến bộ, cưới văn minh, tiết kiệm. Toàn huyện đã có 745 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh; Các thủ tục rườm rà trong đám tang đã được loại bỏ, có nhiều đám tang thực hiện hoả táng. Các đám cưới, đám tang trong năm 2020, 2021 đều thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID 19; nhiều đám cưới được hoãn hoặc có tổ chức chỉ gọn nhẹ trong nội bộ gia đình. Tiêu biểu như ở các xã Bình Yên, Đồng Trúc, Hạ Bằng, Liên Quan, Đại Đồng, Canh Nậu, Phú Kim, Lại Thượng...
Sản xuất nông nghiệp được cơ giới hóa giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích nâng cao kiến thức, nhận thức cho hội viên nông dân trong việc bảo vệ, chăm sóc gắn với các phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, Huyện hội đã chỉ đạo cơ sở tập trung tuyên truyền vào các nội dung như: Chương trình bảo hiểm y tế toàn dân; Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, an toàn thực phẩm; Phòng chống bệnh dịch, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tham gia tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ; thông qua panô, áp phích, khẩu hiệu, viết bản tin; chỉ đạo truyền thông lồng ghép các nội dung của chương trình phối hợp đến hội viên nông dân.
Đến nay, huyện Thạch Thất đã được công nhận huyện nông thôn mới. Các xã Hương Ngải, Dị Nậu đã được công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; Xã Đại Đồng đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo quê hương Thạch Thất đã đổi thay, tiến bộ vượt bậc. Đời sống nông dân huyện Thạch Thất tiếp tục được nâng lên rõ rệt; số hộ khá, giàu ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 52 triệu đồng/năm (năm 2018) lên 72 triệu, năm 2022; Số hộ nghèo giảm mạnh từ 2,66%, năm 2018, xuống còn 0,12%, năm 2022 ( 66 hộ). Các đối tượng chính sách, người nghèo, hộ nghèo được quan tâm chăm lo, hỗ trợ giúp đỡ với nhiều hình thức,…Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa; Cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ được quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao; Duy trì đàn gia súc, gia cầm, diện tích nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định; Năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên. Đây là kết quả đáng mừng thể hiện quyết tâm chính trị, lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất. Trong đó, Hội Nông dân huyện đã và đang phát huy vai trò tích cực của mình, góp phần xây dựng huyện Thạch Thất giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
MN