Ra mắt hoạt động năm 2020, HTX Vải trứng Hưng Yên (thôn Bình Nguyên, xã Đa Lộc, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương để xây dựng vùng trồng vải trứng trên 40ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, diện tích trồng vải trứng được mở rộng thêm khoảng 10ha. Ông Đoàn Văn Hiểu, Giám đốc HTX Vải trứng Hưng Yên cho biết: Vải trứng quả to, trung bình khoảng 17 -20 quả/ kg. Vải có vỏ mỏng cùi dày, bóc không ướt tay nhưng đầy mọng thứ nước thơm, ngọt thanh,…được nhiều khách hàng mua để ăn và làm quà biếu. Như mọi năm, giá bán tại vườn dao động khoảng 100.000 – 110.000 đồng/kg. Năm nay, được giá hơn, từ khoảng 120.000 – 150.000 đồng/kg. Ở các thị trường lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, giá vải trứng có thể lên tới 200.000 – 300.000đồng/kg.
Vải trứng Hưng Yên được mua tại vườn với giá cao mang lại niềm vui cho người nông dân
Dạo vòng quanh vườn vải của HTX nhận thấy nhiều cây vải sai quả, quả to, đang chín đỏ, có nhiều cây vải to, sai quả, được gắn mã. “Những cây vải to có tuổi đời trên 30 năm, được ngành Nông nghiệp Hưng Yên gắn mã để quản lý. Đối với cây vải trứng, trồng đúng kỹ thuật sau 7 năm cây mới thuần, mới cho sai quả, quả to, ngọt; trung bình cho khoảng 70kg/ cây. Những cây lâu năm hơn có thể cho đến 1 tạ/ cây” - ông Đoàn Văn Hiểu chia sẻ.
Những cây vải trứng có tuổi đời trên 30 năm được ngành NN Hưng Yên gắn mã truy suất nguồn gốc
Cũng theo ông Đoàn Văn Hiểu, sản lượng vải của HTX năm nay đạt khoảng 50 tấn, đa phần được các tiểu thương, người tiêu dùng đặt mua ngay tại gốc. Một trong những “cái may, cái mới”, năm nay có một doanh nghiệp ở Bắc Giang đã đặt mua khoảng 5 tấn, một doanh nghiệp khác đã tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm, hứa hẹn đặt mua khoảng 3 tấn để xuất khẩu. Việc HTX ký kết đươc đơn hàng đầu tiên với đơn vị xuất khẩu mở ra hướng mới, có hiệu quả lâu dài cho hoạt động sản xuất của HTX.
Ông Đoàn Văn Hiểu cho biết thêm, các đơn vị thu mua vải xuất khẩu rất kỹ lưỡng, các chỉ tiêu xét nghiệm rất cao, đòi hỏi việc chăm bón của HTX phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, được giám sát thường xuyên. HTX luôn tự tin với chất lượng vải trứng của mình, tuy nhiên, vẫn phải luôn phối hợp với các đơn vị xuất khẩu, đơn vị tư vấn để chuẩn chỉnh quy trình chăm sóc, giúp vải vừa to, ngon, vừa đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 350ha trồng vải trứng, với sản lượng trên 250 tấn. Nếu duy trì và phát triển được mối quan hệ hợp tác với các đơn vị xuất khẩu sẽ giúp cho HTX có đầu ra mới ổn định hơn.
Đến hết năm 2023, huyện Ân Thi có 22 sản phẩm OCOP, trong đó có 19 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Trao đổi với đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Ân Thi được biết, sản phẩm vải trứng của HTX Vải trứng Hưng Yên tham gia Chương trình OCOP năm 2022 và được cấp chứng nhận OCOP 3 sao; năm 2023 được cấp chứng nhận OCOP 4 sao.
Đối với HTX, toàn bộ quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đều được theo dõi, ghi chép vào sổ đầy đủ, sản phẩm đảm bảo an toàn khi đến tay người tiêu dùng. Huyện Ân Thi thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cây vải trứng, đồng thời, tăng cường hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật theo mô hình VietGAP cho thành viên HTX, tổ hợp tác, nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời tăng cường quảng bá sản phẩm, liên kết tiêu thụ để phát triển cây vải trứng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Minh Ngọc