Nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP
Thạch Thất là huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Thủ đô Hà Nội gồm 22 xã và 01 thị trấn. Toàn huyện có tổng số 59 làng thì có đến 50 làng có nghề; trong đó 10 làng nghề được công nhận “Làng nghề truyền thống”. Các làng nghề nổi tiếng ở Thạch Thất như: Làng nghề Cơ - Kim khí Phùng Xá; Làng nghề Mộc - May Hữu Bằng; Làng nghề Mây tre giang đan Phú Hòa; Làng nghề Mây tre giang đan thôn Thái Hòa; Làng nghề Mây tre giang đan thôn Bình Xá; Làng nghề Bánh chè lam thôn Thạch; Làng nghề Mộc Chàng Sơn; Làng nghề Mộc - Xây dựng xã Canh Nậu, Di Nậu; Làng nghề Truyền thống mộc dân dụng và làm nhà gỗ cổ truyền xã Hương Ngải,… Các làng nghề đã tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho nhân dân, đồng thời góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị văn hóa của làng nghề.
Bên cạnh tiềm năng làng nghề, huyện Thạch Thất có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, huyện Thạch Thất tập trung chỉ đạo lập phê duyệt chi tiết các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung theo định hướng của Thành phố; phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Huyện; tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, hiệu quả, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm; ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP; hình thành và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trên địa bàn huyện đã và đang phát huy nhiều mô hình nông nghiệp chuyên canh, nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả như: Mô hình trồng khoai tây của HTX Nông nghiệp Hương Ngải; mô hình trồng hoa xã Đại Đồng; mô hình chăn nuôi gà, trồng cây cảnh xã Đồng Trúc; mô hình trồng lúa ở xã Hạ Bằng; mô hình trồng rau công nghệ cao ở xã Yên Trung; mô hình trồng bưởi xã Phú Kim,…
Từ lợi thế nông nghiệp, làng nghề, huyện Thạch Thất đã phát triển được hàng trăm sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó số lượng lớn là sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Sản phẩm trường kỉ gỗ mun của nghệ nhân Nguyễn Văn Tiến, làng nghề xã Dị Nậu được công nhận đạt OCOP 4 sao. Sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng
Nâng cao chất lượng, chiều sâu sản phẩm OCOP
Triển khai Chương trình OCOP năm 2024, huyện Thạch Thất tiếp tục rà soát, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong Huyện tham gia Chương trình OCOP, qua đó định hướng cho các chủ thể nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, phấn đấu năm 2024 có thêm 20 - 30 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên.
Trao đổi với ông Trần Đức Thanh – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất được biết: Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong phát triển kinh tế - xã hội nên huyện Thạch Thất tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể thực hiện tốt các nội dung và đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch đề ra; phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể sản phẩm tại các địa phương trong Huyện tham gia Chương trình OCOP năm 2024 và các năm tiếp theo.
Mục tiêu đặt ra là phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng sản xuất hàng hoá, ổn định, có thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị sản phẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan và môi trường nông thôn trên địa bàn huyện.
Những năm qua, HTX Nông nghiệp Hương Ngải, xã Hương Ngải đã và đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ. HTX có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó khoai tây Hương Ngải có chất lượng cao, thương hiêu được khẳng định
Bên cạnh đó, củng cố, đẩy mạnh phát triển hoạt động của các HTX, các doanh nghiệp, hộ sản xuất trong Huyện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm OCOP; khuyến khích tạo điều kiện cho các chủ thể sản phẩm OCOP của Huyện tham gia các hội chợ, triển lãm do Thành phố tổ chức, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Huyện năm 2024.
Huyện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiêp và Phát triển nông thôn thành phố (Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội) triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP Thành phố.
Cũng theo ông Trần Đức Thanh, việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giúp đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định, trong đó đặc biệt quan tâm, đánh giá hiệu quả sản xuất về giá trị, sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Huyện sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc áp dụng chính sách, quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm ở các xã, thị trấn, giám sát việc duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể sau khi được đánh giá, công nhận.
Minh Ngọc