Theo đó, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho 4 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75 và Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen. Toyota Việt Nam sẽ cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại và cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Lễ khởi động, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Phạm Tuấn Anh cho biết, hiện nay, một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp CNHT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đáng chú ý là khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn khá lớn.
Từ những vướng mắc trên, Cục Công nghiệp cùng Công ty ô tô Toyota Việt Nam đã cùng hợp tác nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm phát triển năng lực, đưa doanh nghiệp CNHT Việt Nam đến gần hơn với chuỗi cung ứng trong nước.
Cũng tại buổi lễ, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Giám đốc Kế hoạch chiến lược, Toyota Việt Nam chia sẻ: "Theo định hướng của Chính phủ, Toyota Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào sự phát triển của ngành CNHT ô tô Việt Nam. Từ năm 2018, Toyota Việt Nam đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, qua đó giúp họ nâng cao hiệu suất làm việc, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô. Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã lên tới con số 46, trong đó có 6 nhà cung cấp Việt Nam, tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 720 sản phẩm các loại".
Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực CNHT được triển khai từ năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô. Dự án gồm 4 hoạt động chính: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số Chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam.
Đặc biệt, trong năm 2022, Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam thực hiện thêm một hoạt động mới, đó là chương trình Hỗ trợ cải tiến hoạt động cho một số doanh nghiệp trong ngành CNHT ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất cho nhà cung ứng nội địa.
Lê Minh