Thứ Sáu, 22/11/2024 05:07:54 GMT+7
Lượt xem: 3843

Tin đăng lúc 27-11-2019

Khuyến công Quảng Nam: Tích cực đổi mới theo hướng hiện đại

Làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) ra đời cách đây hàng trăm năm với nhiều thăng trầm. Năm 2004, làng nghề được khôi phục và được tỉnh Quảng Nam công nhận “Làng nghề hương truyền thống Quán Hương”. Làng được đầu tư quy hoạch, xây dựng cổng làng, nhà truyền thống, đường bê-tông liên xóm… để tạo thuận lợi cho việc sản xuất.
Khuyến công Quảng Nam: Tích cực đổi mới theo hướng hiện đại
Cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Phước Đại đổi mới máy móc thích ứng với xu thế hiện đại

Trước đây, dân làng thường làm hương thủ công theo phương pháp se, hoặc nhúng bột lên tăm hương, sau đó, việc sản xuất chuyển dần qua sử dụng bằng máy đạp chân. Hiện nay, hầu hết các gia đình làm nghề đều sử dụng máy điện. Việc sử dụng máy điện giúp tăng năng suất, rút ngắn được nhiều thời gian giao sản phẩm cho khách hàng. Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết: “Để tăng năng suất, các hộ gia đình đã đầu tư hơn 50 máy làm hương tự động. Mỗi năm sản phẩm làng nghề còn được Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thăng Bình chọn đi tham gia quảng bá ở các hội chợ thương mại do tỉnh Quảng Nam tổ chức, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao về chất lượng”.

 

Ông Trương Công Thuận - Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết: Ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại là xu thế chung của các làng nghề, cơ sở sản xuất CNNT trên địa bàn. Từ chỗ là mô hình khuyến công với một vài hộ tham gia nhưng nhờ hiệu quả nên đến nay đã lan rộng. Nhiều hộ dân đã tích lũy vốn liếng, hoặc vay vốn của ngân hàng đầu tư máy móc, sản xuất hiện đại đem lại giá trị kinh tế khá.

 

Tương tự, cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ của anh Nguyễn Phước Đại (thôn 4, xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình) cũng không ngừng đổi mới sản xuất để thích ứng với xu thế cạnh tranh. Thời gian đầu vào nghề, cơ sở đã gặp không ít khó khăn bởi nghề này cần phải có vốn đầu tư ban đầu, sau khi sản phẩm làm ra cần phải có nơi tiêu thụ. Nhớ lại hành trình gian khó ấy, anh Đại chia sẻ: “Những khó khăn thì không thể kể hết được. Nhưng nếu đã quyết tâm khởi nghiệp thì theo tôi, phải thật sự siêng năng, học hỏi, tiếp thu góp ý; đặc biệt phải theo kịp công nghệ và nắm bắt được xu hướng của thị trường”. Từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện Thăng Bình đã hỗ trợ anh Đại 80 triệu đồng để cải tiến máy móc, nâng cao năng suất. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, cơ sở của anh Đại đã mạnh dạn thay thế những máy móc chỉ làm những sản phẩm thủ công truyền thống bằng máy CNC 4 mũi, máy chà nhám thùng. Với việc trang bị máy CNC sẽ giúp rút gọn công đoạn, tăng năng suất lao động, cho ra những sản phẩm đẹp, đều, sắc nét. Nhờ đó, doanh thu hằng năm của cơ sở đạt từ 200 - 300 triệu đồng/năm.

 

Theo Sở Công Thương Quảng Nam, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thách thức đối với các làng nghề, cơ sở CNNT rất lớn bởi các điểm yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mẫu mã, chất lượng hạn chế chưa thể giải quyết nhanh. Nhiều đơn vị sản xuất trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư thích đáng, khó khăn về nguồn vốn nên việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chưa rộng rãi. Chính vì vậy, các làng nghề, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh cần nỗ lực đổi mới để thích ứng và phát triển trong xu thế hội nhập, cạnh tranh ngày một gắt gao hơn.

 

Ngọc Tuyết


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang