Thương hiệu Meiko Việt Nam – Sản phẩm phụ trợ điện tử uy tín
Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam là doanh nghiệp phụ trợ điện tử có vốn đầu tư từ Nhật Bản, thuộc Tập đoàn Meiko (Nhật Bản) - một doanh nghiệp đứng thứ 5 trên thế giới về doanh thu sản xuất bản mạch điện tử; năm 2023 doanh thu đạt 1,252 tỷ USD, thu nhập ròng 65,784 triệu USD (trong đó có đóng góp của Meiko Việt Nam).
Ngày 14/12/2006, Meiko Việt Nam chính thức được trao giấy chứng nhận đầu tư vào Khu Công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Lĩnh vực hoạt động chính về CNHT điện tử, gồm: Thiết kế, sản xuất và chế tạo các loại bảng mạch in điện tử (PCB); lắp ráp các linh kiện lên PCB, lắp ráp các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh (EMS).
Theo ông Ida Shuji, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam, các sản phẩm, thiết bị phụ trợ điện tử của Công ty chủ yếu cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất điện thoại, ô tô lớn… phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng năm, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam tăng trưởng SXKD khoảng 20%, góp phần tích cực trong việc phát triển ngành CNHT điện tử, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện điện tử và hoàn thành tốt nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng năm…
Công ty hiện có gần 5.000 lao động; mức thu nhập bình quân của người lao động là trên 10 triệu đồng /tháng. Công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với người lao động (lương, bảo hiểm, trợ cấp, phúc lợi xã hội...).
Tận dụng tốt môi trường kinh doanh để phát triển
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam khẳng định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty có sự hỗ trợ rất lớn của Bộ Công Thương, TP Hà Nội, cùng các sở, ngành liên quan và sự tạo điều kiện của huyện Thạch Thất.
Nhờ đó, thời gian qua. tại Việt Nam, Tập đoàn Meiko đã đầu tư xây dựng 4 nhà máy sản xuất, lắp ráp các bản mạch in điện tử (PCB) (3 công ty tại Hà Nội và 1 công ty tại Hải Dương) với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 800 triệu USD. Đặc biệt, vào tháng 4/2024, Tập đoàn Meiko đã tiếp tục khởi công xây dựng nhà máy sản xuất bảng mạch in điện tử (PCB) mới thứ 5 tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Đây là dự án xây dựng nhà máy sản xuất các vi mạch điện tử dành cho thiết bị ngoại vi, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng, thiết bị nghe nhìn, pin mặt trời, các loại chip vi xử lý… Dự án có diện tích 9,2 ha, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD (hơn 4.600 tỷ đồng) và nâng lên 500 triệu USD khi xây dựng nhà máy thứ hai tại tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Meiko dự kiến nhà máy sản xuất bảng mạch in điện tử tại Hòa Bình sẽ sử dụng 3.000 lao động và nộp ngân sách 200 tỷ đồng mỗi năm cho địa phương này. Tỉnh Hòa Bình có tổng thu ngân sách nhà nước năm 2022 đạt khoảng 6.400 tỷ đồng và năm 2023 đạt khoảng 4.700 tỷ đồng. Như vậy, con số nộp ngân sách 200 tỷ đồng mỗi năm của Meiko Việt Nam sẽ tương tương từ 3 - 4% thu ngân sách của toàn tỉnh Hòa Bình trong những năm tới…
Phát huy thế mạnh trên lĩnh vực CNHT Điện tử được chú trọng và nhiều tiềm năng
Một góc sản xuất của Meiko Việt Nam
Đến nay, Meiko Việt Nam đã và đang tạo hàng nghìn việc làm và nộp ngân sách khoảng 30 triệu USD mỗi năm cho nước ta. Với tiềm năng và thế mạnh như vậy, Meiko Việt Nam đang có rất nhiều triển vọng bứt phá hơn nữa trong tương lai. Đặc biệt, khi môi trường kinh doanh và lĩnh vực CNHT luôn được Nhà nước, Bộ Công Thương, TP Hà Nội tích cực chú trọng ngày một cải thiện. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Meiko Việt Nam cũng như nhiều doanh nghiệp CNHT bứt phá, dẫu biết rằng cũng có không ít thách thức phía trước.
Cụ thể, thành phố Hà Nội đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành CNHT, một yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Chính quyền Thành phố đã thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, đồng thời triển khai Chương trình phát triển CNHT Hà Nội giai đoạn 2020 – 2025.
Theo định hướng phát triển đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao và công nghiệp xanh. Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư và thương mại, đồng thời phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong nước cũng được khuyến khích tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế thông qua các chương trình kết nối và hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài.
Hà Nội hiện có gần 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT, trong đó khoảng 35% các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế như Meiko Việt Nam, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này khẳng định vai trò của ngành CNHT trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế Thủ đô, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất.
Tương lai đầy hứa hẹn
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành CNHT của Hà Nội như vậy, Meiko Việt Nam đã đang khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp CNHT điện tử hàng đầu của Thủ đô. Theo đó, Meiko Việt Nam đã tham gia nhiều chương trình kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế từ Nhật Bản nhằm tăng cường phát triển hơn nữa vào lĩnh vực CNHT. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác với các tỉnh và thành phố lớn trên thế giới cũng được đẩy mạnh, nhằm học hỏi và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển các sản phẩm phụ trợ thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Với thế mạnh và tiềm năng còn nhiều hứa hẹn, tin rằng, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam sẽ không ngừng phát huy vị thế của mình trong lĩnh vực CNHT điện tử tại Việt Nam, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành công nghiệp này. Đặc biệt với sự hỗ trợ từ Việt Nam nói chung và chính quyền địa phương nói riêng, nhất là những chính sách ưu đãi và sự chú trọng phát triển CNHT từ Nhà nước, Meiko Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp mạnh mẽ vào nền kinh tế đất nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và đưa sản phẩm của mình vươn xa trên thị trường quốc tế… ./.
Hà Đăng