Tăng cường quản lý
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ninh: Thời gian qua công tác giám sát, quản lý chất lượng các sản phẩm OCOP cũng đã được các ngành chức năng của tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị... Qua đó, các sản phẩm OCOP của Quảng Ninh đã ngày càng vươn xa ra thị trường trong, ngoài nước.
Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 23 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; các điểm bán hàng OCOP đều có biển hiệu gắn logo OCOP, có giá kệ để xếp hàng hóa, có niêm yết giá. Các điểm bán hàng ngoài giới thiệu các sản phẩm OCOP trong tỉnh, còn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của các tỉnh thành trong cả nước; một số điểm còn có website giới thiệu hàng hóa và bán hàng qua các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok...
Ông Lê Mạnh Quy - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu Quy Hoa, cho biết: Để có được một sản phẩm OCOP nếu được cho là khó một, thì để giữ được, xây dựng và phát triển trở thành sản phẩm hàng hoá, chiếm lĩnh được thị trường trong nước và vươn xa ra thị trường quốc tế khó gấp nhiều lần. Vì vậy, việc rà soát các sản phẩm đạt sao, các sản phẩm tham gia chu trình UBND tỉnh cần đặc biệt chú trọng, kiên quyết loại bỏ những sản phẩm OCOP không đảm bảo chất lượng.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh, chỉ tính từ năm 2020 đến hết năm 2024, sau khi rà soát các sản phẩm đã đạt từ 3-5 sao. Trong đó, có 159 sản phẩm không đảm bảo để tham gia chương trình. Các sản phẩm đạt 3 sao là 31, sản phẩm đạt 4 sao là 5 còn lại 123 sản phẩm tham gia. Tính đến nay, toàn tỉnh có 393 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao.
Trong đó: 296 sản phẩm đạt 3 sao; 93 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại và có cơ hội vươn ra thị trường lớn.
Tuy nhiên, theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ có thời hạn 36 tháng kể từ ngày có quyết định công nhận. Để tiếp tục được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP in, dán trên bao bì, nhãn mác của sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường, các sản phẩm này cần phải được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại.
Theo đó, năm 2024, qua rà soát, kiểm tra đã có 71 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên (trong đó có 29 sản phẩm đạt từ 3-4 sao và 42 sản phẩm tham gia Chu trình OCOP) của 47 chủ thể đã hết hạn 36 tháng công nhận. Nguyên nhân là do một số chủ thể đang trong quá trình thay đổi logo và bộ nhận diện thương hiệu, cải tiến bao bì, nhãn mác để phù hợp với chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới. Một số chủ thể không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó nữa mà chuyển sang kinh doanh sản phẩm khác.
Mặt khác, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đều có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế không mạnh nên việc đầu tư, hoàn thiện quy trình để đáp ứng các yêu cầu gặp khó khăn.
Ngoài ra, các sản phẩm OCOP cấp tỉnh Quảng Ninh khi hết hạn nếu không được công nhận lại sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu OCOP để in, dán trên bao bì đối với các sản phẩm khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường.
Các giải pháp nâng cao chất lượng
Hiện nay, vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP vẫn khó khăn do các cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu. Nông dân chưa có thói quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Để kiểm soát chất lượng các sản phẩm OCOP bán ra thị trường, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến.
Sở phối hợp với các địa phương phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn.
Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như việc giết mổ gia súc, gia cầm; giám sát an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản và thủy sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của thành phố trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Để không chỉ gỡ khó cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân trực tiếp, tham gia vào các sản phẩm OCOP, mà còn thực hiện có hiệu quả mục tiêu, Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã chỉ đạo các sở, ngành thuộc Ban chỉ đạo OCOP và các địa phương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện phát triển sản phẩm.
Trong đó, ưu tiên hỗ trợ các chủ thể sau khi được công nhận OCOP đạt hạng 3 sao trở lên có quy mô sản xuất nhỏ, khó đáp ứng thị trường tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo số lượng, chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiến hành rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn sản phẩm truyền thống, đặc trưng, sản phẩm bản địa... để phát triển sản phẩm OCOP.
Đối với việc nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, các chủ thể phải đầu tư, cải tiến dây chuyền, quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm cũng như nâng cấp bao bì… mới đáp ứng đầy đủ điều kiện. Còn muốn nâng cấp từ 4 sao lên 5 sao, phải xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, sản xuất chuyên nghiệp, có hệ thống phân phối sản phẩm trên quy mô toàn quốc và có sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận.
Trong công tác giám sát, quản lý chất lượng, 6 tháng đầu năm, có 71 sản phẩm hết hạn đạt sao và tham gia chu trình OCOP. Đồng thời tiếp tục rà soát các sản phẩm sắp hết hạn đạt sao. Các địa phương, đơn vị đã được yêu cầu và hướng dẫn lập hồ sơ đánh giá phân hạng lại đối với các sản phẩm đã hết hạn sao theo quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND các địa phương tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm OCOP như: Diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP 322,35 ha (27 cơ sở). 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản (cá tầm Nga, cá lăng) được chứng nhận VietGAP, diện tích 0,41 ha. 1 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ với 329 ha quế. 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP. 39 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và các chứng nhận khác tương đương.
Các giải pháp đồng bộ trong xúc tiến thương mại, giám sát và quản lý chất lượng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP. Việc này nhằm tạo uy tín, chất lượng sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo diendandoanhnghiep.vn