Trong quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, các DN đang bước vào cuộc đua sản xuất cuối năm, nhưng nguồn vốn vẫn là một trong những vấn đề lan giải, trong khi DN cần đa dạng kênh huy động vốn trong bối cảnh ngân hàng nhà giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% để kiểm soát lạm phát.
Đối với CNHT đa phần là DN vừa và nhỏ, không đủ tiêu chí để tiếp cận các nguồn vốn vay và các gói hỗ trợ, vậy có giải pháp nào để khơi thông dòng vốn cho các DN CNHT?
Thu hút nguồn vốn cho CNHT
Thông thường DN khi vay vốn sẽ phải trả lãi suất từ 6-7% năm, nhưng nay nhiều đối tượng DN, trong đó có các DN chế biến, chế tạo được tiếp cận gói vay với lãi xuất 2%/năm, thực hiện kéo dài đến năm 2023, đây là gói hỗ trợ sẽ tạo cho DN mạnh dạn hơn khi vay vốn, giúp DN khắc phục được khó khăn, giảm bớt chi phí vốn góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Ông Phan Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean) chia sẻ: Hỗ trợ 2% lãi suất cho 2 năm, kể từ năm 2022 đến hết năm 2023, đây là một tín hiệu rất mừng và đây là tinh thần để khích lệ, hỗ trợ giúp các DN yên tâm hoạt động nhằm phục hồi nhanh hơn, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ kịp thời, được coi là một liều thuốc chữa bệnh để DN phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Thế nhưng, sau nửa năm triển khai gói hỗ trợ, số DN tiếp cận được gói này rất thấp, bởi nhiều quy định ngặt nghèo, trong đó có các tiêu chí về tài sản đảm bảo, dư nợ các khoản vay, rum tín dụng của các ngân hàng gần cạn, khiến cho các DN CNHT rất khó được tiếp cận được gói vay.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hồng – GĐ Công ty CP Sản xuất và Phát triển công nghiệp Việt - Nhật cho biết: Cái khó của DN là, Nghị định của Chính phủ đưa ra nhưng không có hướng dẫn chi tiết, nên khi làm việc thì mỗi ngân hàng đưa ra những yêu cầu khác nhau, thậm chí có ngân hàng họ nói không biết, không hiểu đấy là chính sách gì, nhân viên ngân hàng không tư vấn được cho DN, cũng có rất nhiều các rào cản không thể tiếp cận được cái nguồn vốn ưu đãi.
Không chỉ các gói ưu đãi DN khó tiêp cận, mà gần như các gói ưu đãi dành riêng cho các DN CNHT cũng khó khăn khi tiếp cận. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về tài chính, nguồn vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN rất lớn. Tuy nhiên, theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện vẫn còn đến hơn 60% DN chưa tiếp cận được vốn vay, bởi các thủ tục quy định rất ngặt nghèo.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội điện tử Việt Nam cho biết: Việc hỗ trợ cho các DN trong quá trình sản xuất, nâng cấp dây chuyền công nghệ, hoặc là đầu tư dây chuyền công nghệ mới sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, các điều kiện để tiếp cận thì gần như là DN không thể, hoặc khi tiếp cận được thì các yêu cầu về hậu kiểm đối với các DN là quá khó khăn, DN thấy rất phiền hà, nó mang đến các thủ tục rườm rà làm cho DN nản chí.
Nhiều DN CNHT sau một thời gian dài tìm mọi cách cầm cự do dịch Covid-19, phải mất khoảng thời gian từ 3 - 5 năm để hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Với không ít DN, thời gian để kinh doanh có lãi thậm chí phải kéo dài từ 5 – 10 năm, nếu như không có những trợ lực về cơ chế, chính sách, nguồn lực về tài chính, nguồn vốn kinh doanh, mua sắm thiết bị thì DN CNHT vẫn luôn khát vốn để phát triển.
Tự lực cánh sinh, nhiều DN đã nỗ lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành nhà cung ứng cho nhiều DN FDI lớn tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, với những đơn hàng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã nhiều DN việt chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác, do DN có quy mô nhỏ và vừa, tình trạng thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng khiến DN vượt khó.
Ông Hoàng Mạnh Trung – GĐ Công ty TNHH Fumee Tech chia sẻ: Về nguồn lực tài chính, các DN hoạt động trong lĩnh vực về sản xuất chế biến, chế tạo của Việt Nam rất thiếu những DN vừa và lớn, nên chưa đủ nguồn lực để có thể tái đầu tư về mặt nhân sự cũng như công nghệ kỹ thuật, còn đối với các DN của nước ngoài khi đầu tư sang Việt Nam ngoài về công nghệ người ta có sẵn, họ còn có thế mạnh về tài chính...
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết: Các DN đánh giá cao khi phản ứng chính sách của Chính phủ, nhưng mà quan trọng cần phải tăng cường chất lượng thực thi làm sao các chính sách đi nhanh hơn thực tiễn, mang lại hiệu ứng thực tiễn đây cũng là kỳ vọng của DN. DN cũng mong muốn chính sách hỗ trợ này cần phải tiếp tục trong giai đoạn tới, hỗ trợ DN khó khăn về dòng tiền cũng là một nhóm giải pháp đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ trong thời gian tới.
Cần thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN CNHT
Nhìn lại các chính sách của CNHT cho thấy, năng lực thực thi chính sách rất đầy đủ, nhưng nhiều quy định để triển khai chính sách lại chồng chéo dẫn đến khó, khi thực hiện tại DN, vì vậy, nhiều khi DN không mặn mà với chính sách, bởi chi phí, thủ tục để có thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ khó hơn cả lợi ích được hưởng.
Cộng đồng DN CNHT Việt Nam hiện nay đều có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với quy mô như vậy, cách tiếp cận các nguồn vốn từ các hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng là khá khó, bởi những tiêu chí khắt khe, tài sản đảm bảo, lãi suất vẫn là trở ngại của các DN CNHT. Dù đã có những Nghị định, Thông tư để phát triển CNHT, nhưng các DN CNHT hiện nay vẫn cần một bộ luật riêng để được hỗ trợ nhiều hơn, giúp cho chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Cùng với đó, ngoài sự trông đợi vào các chính sách hỗ trợ từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia cho rằng, các DN tự chủ động liên kết với nhau thành một chuỗi liên kết để tạo nên một sức mạnh cộng sinh về sản xuất, tao thêm nguồn tài chính, nguồn vốn cho DN.
Trao đổi với phóng viên, Giáo sư Hoàng Văn Cường – Uỷ viên Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết: Giải pháp căn bản nhất là những DN muốn đầu tư vào các thiết bị máy móc, công nghệ để sản xuất các sản phẩm, thì phải có một mối liên kết với nhà tiêu thụ để khảng định rằng, sản phẩm của mình sản xuất ra, công nghệ mình đầu tư đáp ứng được yêu cầu của các nhà sản xuất. Chính vì từ các hợp đồng liên kết, hợp tác là cơ sở để cho các DN cũng phải biết lựa chọn để liên kết với nhau, tránh tình trạng DN nào cũng muốn đầu tư, manh mún cạnh tranh với nhau.
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, đa số các DN đã tự thân vận động, tự tìm kiếm khách hàng, tự quảng bá sản phẩm, tự chủ về tài chính. Tuy vậy, các DN CNHT mong mỏi các chính sách hỗ trợ, ưu đãi sớm được đưa vào thực thi phần nào gỡ khó cho DN CNHT, là bệ đỡ cho các DN phục hồi và phát triển.
CNHT được coi là giải pháp quan trọng để Việt Nam cải thiện chất lượng, sức cạnh tranh thì hành lang pháp lý được coi là giải pháp giúp các DN CNHT cất cánh, là bệ đỡ cho DN phục hồi và phát triển sau đại dịch. Những chính sách cụ thể, thiết thực nếu được sửa đổi để đi vào thực tế được kỳ vọng phần nào gỡ khó cho ngành CNHT, mở thêm cách của cho các DN tham gia các chuỗi cung ứng của các tập đoàn kinh tế lớn, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng.
Để khơi thông nguồn vốn cho các DN CNHT, cần sự đồng hành của các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, DN CNHT cũng phải nâng cao năng lực, công nghệ để tránh phụ thuộc và liên kết trở thành DN đầu chuỗi, không chỉ dừng ở mức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của DN nước ngoài.
Công Vinh