Doanh nghiệp Việt Nam khó tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp CNHT của Việt Nam đã và đang cải thiện năng lực sản xuất và tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, theo số liệu Bộ Công Thương mới cập nhật, hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí, trong đó, 70% doanh nghiệp tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước và 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% doanh nghiệp CNHT Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù Chính phủ đã phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp triển khai các hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn lỏng lẻo. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do Việt Nam có ngành công nghiệp phát triển sau các nước khu vực 2-3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ chưa đảm bảo quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp để cạnh tranh về giá với thị trường khác. Trong khi đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển công nghiệp không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế.
Mặt khác, tập quán kinh doanh của các doanh nghiệp toàn cầu là thường sử dụng các doanh nghiệp đã từng cung ứng sản phẩm CNHT trong chuỗi sản xuất của họ hoặc các doanh nghiệp cùng quốc tịch, ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội chưa tập trung nhiều vào đầu tư sản xuất do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so với đầu tư vào lĩnh vực khác.
Đặc biệt là hiện nay, Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn sắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp; Trình độ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; Công tác nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển sản phẩm mới chưa được quan tâm và thiếu nguồn vốn đầu tư... Hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước, việc ban hành và bố trí các nguồn lực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành CNHT còn chưa hiệu quả do mâu thuẫn chồng chéo của các luật ngành khác.
Cần xây dựng chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt dẫn đầu
Có thể thấy, những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đều được dẫn dắt bằng những tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nào đi sau muốn nhập cuộc phải tham gia vào chuỗi này. Vì vậy, con đường ngắn nhất để doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu chính là liên kết với các công ty đa quốc gia.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng, để ngành CNHT Việt Nam tham gia sâu hơn, nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong thời gian tới cần thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử,… Cùng với đó, cần phải hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu, xây dựng Luật về phát triển công nghiệp.
Bên cạnh đó, thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hoá, hiện đại hoá chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh nền công nghiệp trong nước. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại, từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đưa doanh nghiệp công nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên thì cho rằng, việc doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi của các tập đoàn đa quốc gia dẫn dắt khá khó khăn là vì các tập đoàn này có chuỗi cung ứng cố định, trong khi đó, các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đi vào triển khai thực tế còn khiêm tốn. Vì vậy, Nhà nước cần phải xây dựng định hướng phát triển cụ thể và ưu tiên cho từng ngành. Điều quan trọng là cần phải xây dựng, phát triển chuỗi của người Việt, do doanh nghiệp Việt dẫn đầu, có như vậy thì các doanh nghiệp CNHT Việt Nam mới nhanh chóng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể nói, với chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, cùng với đó là xu hướng chuyển dịch điểm đến là Việt Nam của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây đã mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp CNHT trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, để nắm bắt được các cơ hội này, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp, cũng rất cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Nhà nước trong việc tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, những chính sách hỗ trợ và các giải pháp cụ thể hơn, mạnh hơn để các doanh nghiệp trong nước lớn mạnh hơn, kết nối được với các công ty đa quốc gia và tham gia được sâu hơn vào chuỗi cung ứng của họ. Về lâu dài, cần tập trung nguồn lực thúc đẩy hình thành các tập đoàn công nghiệp tư nhân đóng vai trò dẫn dắt hệ thống các doanh nghiệp CNHT trong nước cùng vươn ra thị trường thế giới, qua đó, góp phần thúc đẩy ngành CNHT nói riêng và nền công nghiệp nước nhà nói chung phát triển nhanh và bền vững.
Minh Vũ