Ngày 05/07/2019, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 2869/QĐ-UBND về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.HCM từ năm 2019 đến năm 2025. Theo đó, trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, thành phố tập trung phát triển CNHT, sản phẩm CNHT tiêu biểu, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa của 04 ngành công nghiệp trọng yếu và 02 ngành công nghiệp truyền thống. Năm 2020, tăng bình quân 3% - 5% (trong đó: ngành cơ khí tăng 5%; ngành Điện tử - Công nghệ thông tin tăng 2%; ngành Cao su - Nhựa tăng 5%; ngành Chế biến Lương thực thực phẩm tăng 2%; ngành Dệt may tăng 5%; ngành Da giày là 5%) và phấn đấu đến năm 2025, tăng bình quân 7% - 9% (trong đó: ngành cơ khí tăng 10%; ngành Điện tử - Công nghệ thông tin tăng 5%; ngành Cao su - Nhựa tăng 10%; ngành Chế biến Lương thực thực phẩm tăng 4%; ngành Dệt may tăng 10%; ngành Da giày tăng 10%).
Đề hoàn thành mục tiêu đề ra, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN CNHT hoạt động và phát triển, ban hành chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực CNHT, qua đó giúp DN đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Sở Công Thương cũng đã và đang tích cực thực hiện nhiều chương trình kết nối, giao thương, ký kết hợp tác với các tổ chức kinh tế, tập đoàn đa quốc gia để hỗ trợ cho DN và thực tế đã đạt được một số kết quả nhất định. Theo thống kê tại Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp CNHT có 17 nhà mua hàng quốc tế lẫn trong nước có nhu cầu hơn 250 cụm chi tiết/linh kiện cần tìm nhà cung ứng với khoảng 80 DN CNHT của Việt Nam với 242 cuộc tiếp xúc. Tại sự kiện này, đại diện 17 DN FDI và các DN sản xuất công nghiệp đầu cuối với vai trò là nhà mua hàng cũng đã đánh giá các nhà cung cấp tiếp xúc trực tiếp là có tiềm năng và 51% trong đó xác lập cuộc hẹn đi thăm nhà máy của các DN cung ứng. Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng của thành phố; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế cạnh tranh để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Sau một thời gian triển khai tích cực, tính đến giữa tháng 12/2019, thành phố đã phê duyệt 22 dự án của DN đầu tư CNHT với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 938 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình đào tạo tư vấn về năng suất và chất lượng cho các DN cũng đã mang lại hiệu quả thiết thực khi giúp được nhiều DN CNHT thay đổi được quy trình sản xuất, quản trị DN hiệu quả. Nhiều sản phẩm CNHT cung cấp cho DN, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đem lại giá trị cao như sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao của công ty Lập Phúc cung cấp cho Colgate; Hiệp Phước Thành và Minh Nguyên đã tham gia được vào chuỗi sản phẩm của Samsung; Thống Nhất và Amura Precision sản xuất linh kiện nhựa cho nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 của các công ty ô tô...
Thời gian tới, để ngành CNHT tiếp tục phát triển, UBND thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực cung ứng, đầu tư phát triển chất lượng nguồn nhân lực để tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; Nâng cao khả năng liên kết của doanh nghiệp CNHT, sử dụng hiệu quả quỹ đất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển CNHT địa bàn thành phố.
Bích Ngọc