Thứ Sáu, 22/11/2024 09:10:56 GMT+7
Lượt xem: 4143

Tin đăng lúc 19-03-2020

Vĩnh Phúc: Nhiều cơ chế ưu đãi thúc đẩy CNHT phát triển

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy và công nghiệp phụ trợ của cả nước. Những năm qua, UBND tỉnh đã luôn xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là tiền đề quan trọng hàng đầu phục vụ trực tiếp cho các ngành công nghiệp chủ lực phát triển. Do đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa ngành CNHT.
Vĩnh Phúc: Nhiều cơ chế ưu đãi thúc đẩy CNHT phát triển
Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 (KCN Khai Quang) sản xuất, kinh doanh linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu

Ngày 05/7/2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Dự án về khuyến khích phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, CNHT trở thành ngành công nghiệp phát triển hiện đại, tham gia vào việc sản xuất và cung cấp phần lớn các linh kiện, phụ tùng, dịch vụ bảo trì, sửa chữa cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2030, CNHT Vĩnh Phúc tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực phục vụ các ngành công nghiệp có công nghệ cao và sản xuất được các linh kiện và thiết bị hiện đại. Các sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao và tham gia sâu vào mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

 

Để hoàn thành Dự án đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tập trung tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư phát triển CNHT; Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển CNHT; Xây dựng sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong quá trình phát triển CNHT và phát triển khoa học công nghệ. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CNHT; Đẩy mạnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho CNHT phát triển song hành với các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, mặt bằng... để tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư đạt hiệu quả.

 

Sau nhiều năm đẩy mạnh triển khai, toàn tỉnh hiện có gần 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT với tổng số vốn đăng ký đạt gần 2,5 tỷ USD. Các doanh nghiệp CNHT đầu tư trên địa bàn chủ yếu tập trung phục vụ 5 lĩnh vực, gồm: Sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy; Cơ khí chế tạo; Sản xuất lắp ráp điện, điện tử; Công nghiệp dệt may, da giày; Sản xuất vật liệu xây dựng. Cũng nhờ những định hướng đúng đắn trong việc phát triển ngành CNHT tỉnh nhà, đến nay, hệ thống hạ tầng của các khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc đã tương đối hoàn thiện với 19 khu công nghiệp tập trung và 32 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Điều này đã góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển, giúp hình thành mối liên kết sản xuất giữa các doanh trong nước và doanh nghiệp FDI. Đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Thời gian tới, để ngành CNHT của tỉnh tiếp tục phát triển, UBND tỉnh Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ 100% kinh phí lập hồ sơ và cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT công nghệ cao và chi phí đánh giá công nhận đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo khu vực cho sản phẩm CNHT. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện đầu tư dự án mới hoặc mở rộng dự án từ 20% quy mô trở lên; Hỗ trợ 50% chi phí, lãi suất vay vốn đầu tư ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất CNHT để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ 100% kinh phí cho doanh nghiệp tổ chức giới thiệu, phổ biến quy trình công nghệ sản xuất và yêu cầu kỹ thuật về sản phẩm CNHT trên địa bàn tỉnh; Tổ chức các lớp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CNHT…

 

Tuấn Ninh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang