Có thể nói, Bình Dương là một trong những địa phương phát triển mạnh về công nghiệp ở Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp nhất cả nước với hơn 66.000 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, có 2.277 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến ngành CNHT: dệt may có 442 doanh nghiệp, da giày 172 doanh nghiệp, cơ khí 710 doanh nghiệp... Dù vậy, theo đánh giá từ các chuyên gia và từ chính quyền, ngành CNHT trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Không thể phủ nhận rằng, phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh. Thời gian qua, nhằm thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực CNHT, Bình Dương đã ưu tiên, khuyến khích phát triển, nâng cao năng lực các DN CNHT. Dù vậy, tỉnh vẫn chưa có khu công nghiệp (KCN) về CNHT chuyên sâu. Tới đây, KCN cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động sẽ giúp Bình Dương tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất sản phẩm ngành CNHT.
Chia sẻ về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí và CNHT Thaco Industries Đỗ Minh Tâm cho rằng, Bình Dương có rất nhiều thế mạnh để xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ như: Tỉnh có các lợi thế về hạ tầng, quỹ đất, có sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương và đặc biệt là có cộng đồng DN lớn mạnh. Do đó, KCN cơ khí hỗ trợ đi vào hoạt động không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghiệp ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 5/2024, Bình Dương đã thu hút gần 4.300 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 40,6 tỷ USD từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ ba cả nước sau TP.HCM và Hà Nội. Hiện nay, tính riêng các KCN tại Bình Dương có 3.128 dự án còn hiệu lực. Trong đó có 2.448 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 29,6 tỷ USD và 680 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 93.847 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều các dự án, DN lớn tham gia vào ngành CNHT.
Có thể kể đến những dự án phát triển công nghệ cao, CNHT được đầu tư rất lớn như: Dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, trên diện tích 42 ha của Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc), cung cấp nguyên liệu cho ngành sản xuất ô tô; dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) với vốn đầu tư đăng ký hơn 1 tỷ USD; dự án nhà máy chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm của Công ty Cổ phần Tetra Park Bình Dương (Singapore), có vốn đầu tư đăng ký 124 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Nitto Denko, vốn đăng ký 186,2 triệu USD...
Cùng với đó, các doanh nghiệp CNHT Hàn Quốc cũng đã đầu tư vào những lĩnh vực trọng điểm tại Bình Dương như: Sản xuất vỏ xe ô-tô, điện, điện tử, công nghiệp phụ trợ, cơ khí chính xác, may mặc và da giày… Có khá nhiều dự án có vốn đầu tư lớn của Hàn Quốc tại tỉnh Bình Dương, như: Tập đoàn Kumho Asiana đầu tư nhà máy sản xuất vỏ xe ô-tô; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Panko Vina đầu tư vào lĩnh vực dệt may; Công ty Trách nhiệm hữu hạn KyungBang Việt Nam đầu tư lĩnh vực sản xuất sợi, vải;...
Đầu tháng 8/2024, Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, tỉnh xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 10%/năm, GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 15.800 đô la Mỹ; cơ cấu kinh tế năm 2030, ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 64%, ngành dịch vụ chiếm 28%; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP…
Với việc tiếp tục xác định công nghiệp là mũi nhọn của nền kinh tế, Bình Dương định hướng tăng tỷ lệ nội địa hóa ở các ngành CNHT và phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển công nghiệp sinh thái, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế. Các số liệu thống kê cho thấy, bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa đạt 40 - 45% của dệt may, da giày là cao nhất thì tiếp đến là sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ (khoảng 10 - 20%), điện tử, tin học, viễn thông (khoảng 15%) và 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao….
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Bình Dương cho biết, tỉnh luôn đứng hàng đầu trong cả nước về thu hút vốn FDI, mặc dù vậy kết quả đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, CNHT còn hạn chế. Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN phát triển CNHT, giúp gia tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất, đưa công nghiệp của địa phương tham gia sâu vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu.
Có thể thấy, các doanh nghiệp CNHT tại Bình Dương đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Bình Dương đang chú trọng đến việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của ngành CNHT. Hiện, các trường đào tạo nghề và các cơ sở giáo dục đã phối hợp với doanh nghiệp để cung cấp kỹ năng cần thiết cho lao động.
Mặc dù có nhiều tiến bộ, song, ngành CNHT ở Bình Dương vẫn phải đối mặt với một số thách thức như sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác trong khu vực, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và nhu cầu cải thiện công nghệ sản xuất. Do đó, để CNHT phát triển mạnh mẽ và bền vững, tỉnh Bình Dương cần có sự đầu tư liên tục vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng dần tỉ lệ nội địa hóa và cải thiện nguồn nhân lực. Tiếp tục có những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT; nhanh chóng triển khai, đưa các cụm CNHT đi vào hoạt động để đẩy nhanh sự phát triển ngành CNHT trên địa bàn tỉnh.
Minh Phương