Chương trình OCOP cũng giúp tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đồng thời, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin, sáng tạo, khởi nghiệp trong các tầng lớp nhân dân, hướng người dân vào kinh tế thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn.
Thương hiệu phải gắn liền chất lượng sản phẩm
Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã được các cấp, ngành trong tỉnh Hà Nam tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả. Trong ba năm qua, toàn tỉnh có 65 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt từ 3 sao trở lên; năm 2022 có 59 ý tưởng đăng ký tham gia, phấn đấu có khoảng 25-30 sản phẩm được phân hạng, đánh giá đạt 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Đánh giá về hiệu quả của chương trình mang lại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ngô Mạnh Ngọc cho biết: Chương trình có sự hỗ trợ của Nhà nước, bước đầu đã tạo động lực thúc đẩy cho các chủ thể tham gia thực hiện, nhằm phát triển sản phẩm của mình ngày một hoàn thiện hơn, đồng thời lựa chọn những ý tưởng sáng tạo để nâng cấp sản phẩm đạt chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và nhân ra diện rộng.
Công tác tuyên truyền, vận động được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về chương trình, tạo sự đồng tình hưởng ứng của các chủ thể tham gia thực hiện, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm của địa phương trong tỉnh... Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở có sản phẩm được chứng nhận OCOP tỉnh Hà Nam đang phát triển cả về sản lượng và doanh thu (sản lượng tăng từ 15% đến 20%, doanh thu tăng 10%).
Anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Bảo An, thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân chia sẻ: Các sản phẩm OCOP của hợp tác xã chúng tôi sau khi được công nhận đã tự tin tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại một số thị trường có tiềm năng; được người tiêu dùng tin tưởng, đáp ứng yêu cầu thị trường, mang lại doanh thu ổn định cho hợp tác xã.
Về kết quả thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Hà Nam đã có 65 sản phẩm của 30 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó có 49 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 16 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm chất lượng điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhiều sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao cấp tỉnh trở lên sau khi được công nhận đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, được nhiều người tiêu dùng biết đến đó là các sản phẩm: Ruốc cá trắm cỏ, Chả cá rô phi của Hợp tác xã thủy sản sông trong ao Hải Đăng; Sữa tươi thanh trùng, Sữa chua nếp cẩm của Công ty Cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, Bánh đa nem làng Chều; bún, miến, phở, bánh tráng chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam..., sản lượng và doanh thu bán hàng đều tăng lên so với trước khi công nhận sản phẩm OCOP.
Có bảy trong số 65 sản phẩm OCOP đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể chứng nhận Hà Nam như Rượu Vọc; Rượu nếp cái hoa vàng, cá kho Nhân Hậu, Bánh đa nem làng Chều, Túi xách thêu ren, Ví thêu ren; Túi thơm; bảy trong số 65 sản phẩm đăng ký thành công bảo hộ nhãn hiệu là: Mật ong rừng miền Bắc, Mật ong rừng; sữa chua miền Bắc; Sữa ong chúa miền Bắc, Phấn hoa rừng miền Bắc; Dưa chuột thái lát ngâm giấm: Kẹo lạc Cham Cham; sản phẩm OCOP Chuối ngự Đại Hoàng được xác lập chỉ dẫn địa lý. Một số sản phẩm đã được đưa vào chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoài tỉnh, hệ thống siêu thị Winmart như các loại rau sạch Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Phù Vân, Hợp tác xã Nông sản Cát Lại, sản phẩm sữa của trang trại Mục đồng...
Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã mở rộng được thị trường tiêu thụ, sản lượng, giá bán tăng lên khoảng 10% so với trước khi được công nhận.
Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình
Hiện nay, Hà Nam đã có 35 trong số 65 sản phẩm OCOP được giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử http://postmart.vn (có giao diện tại 63 tỉnh, thành phố), 100% chủ thể đều có thể sử dụng tài khoản thanh toán điện tử. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đưa khoảng 20 sản phẩm OCOP giới thiệu trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Các sản phẩm được hoàn thiện hơn về nhãn mác, quan tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc... tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể khi tham gia vào các chuỗi, siêu thị, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu, bảo đảm phát triển bền vững. Các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP phần lớn đã được gắn tem OCOP lên sản phẩm để tạo được sự tin tưởng của khách hàng và có thể dễ dàng đưa vào hệ thống các siêu thị.
Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các chủ thể sản xuất sản phẩm lợi thế và tiềm năng tại các địa phương về tầm quan trọng, các nguyên tắc, nội dung Chương trình OCOP, chủ trương của Nhà nước về triển khai chương trình; các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao nhận thức trong triển khai thực hiện Chương trình; từ đó tác động khuyến khích, phát triển các sản phẩm tiềm năng có lợi thế của mỗi địa phương.
Các cấp, ngành, nhất là các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển kinh tế địa phương, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Tiếp tục hỗ trợ chủ thể sản xuất sản phẩm đăng ký ý tưởng, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm tiềm năng đã có để tham gia chương trình với các nội dung cụ thể như: Hoàn thiện công bố tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì...
Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn cho các đơn vị có sản phẩm đăng ký mới, nâng cao kiến thức quản trị kinh doanh, hướng dẫn xây dựng kế hoạch sản xuất, chuẩn tem nhãn bao bì, bảo hộ nhãn hiệu; Tăng cường công tác rà soát hỗ trợ ý tưởng sản phẩm mới, tạo động lực cho chủ thể mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm của địa phương, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Nam có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Theo Nhandan.vn