Những kết quả nổi bật trong năm 2024
Theo báo cáo tại Hội nghị, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, chung sức của người dân, Chương trình xây dựng NTM của Thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực. Khu vực nông thôn phát triển toàn diện, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,8 triệu đồng/người/năm; toàn Thành phố không còn hộ nghèo.
Ông Hà Tiến Nghi - Phó Chi cục trưởng báo cáo tại Hội nghị
Đến nay, Thành phố Hà Nội đã có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, 03 huyện (Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức) đã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Đông Anh và huyện Thanh Oai phấn đấu được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao vào quý I/2025. Thành phố đã có 382/382 xã đạt chuẩn NTM, 191 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 84 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (vượt chỉ tiêu Chương trình 04 của Thành ủy đến hết năm 2025).
Hiện nay, Thành phố đang tiếp tục thẩm định thêm 44 xã đề nghị đạt chuẩn NTM nâng cao, 29 xã đề nghị đạt chuẩn NTM kiểu mẫu để quyết định công nhận trong năm 2024. Dự kiến đến hết năm 2024, Thành phố có khoảng 235/382 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Đình Hoa - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội
Thành phố Hà Nội dẫn đầu cả nước về triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Năm 2024, Thành phố đã đánh giá, phân hạng thêm 606 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 10 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao, 98 sản phẩm 4 sao, 498 sản phẩm 3 sao (đạt 151% so với kế hoạch năm 2024).
Như vậy, từ năm 2019 đến nay, Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP. Trong đó có 06 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao, 1718 sản phẩm 3 sao.
Ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Ngọ Văn Ngôn – Phó Chánh văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội cho biết: Để đạt được những kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng NTM, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thành phố, sự vào cuộc của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải kể đến sự đồng lòng, chung sức xây dựng NTM của người dân Thủ đô. Trong 15 năm xây dựng NTM, nhân dân Thủ đô đã đóng góp được trên 20 nghìn tỷ đồng, hiến trên 400ha đất để các địa phương mở rộng, xây dựng các công trình phúc lợi và hàng triệu ngày công lao động. Trong đó, tiêu biểu như ông Thản ở Ba Vì ủng hộ xã Phú Phương trên 30 tỷ đồng, bà Đinh Thị Bằng ở thôn Trần Phú, xã Minh cường, huyện Thường Tín ủng hộ xã 23 tỷ đồng xây dựng NTM, bà Đinh Thị Tình ở Tiến Xuân, Thạch Thất hiến 770m2 đất ở,…
Đối với công tác Phát triển nông thôn, bám sát các chỉ đạo của Thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội, ngay từ đầu năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động.
Trong năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển làng nghề
Năm 2024, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức thành công 02 Hội chợ giống, vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Tổ chức thành công Hội thị sản phẩm làng nghề Thành phố Hà Nội năm 2024. Tham gia Hội chợ thủ công mỹ nghệ Formex Thụy Điển; Tham mưu Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Hội đồng thủ công Thế giới để đánh giá, công nhận Làng gốm Bát Tràng, Làng lụa Vạn Phúc là thành viên của mạng lưới các Thành phố thủ công sáng tạo trên toàn thế giới (Dự kiến Thành phố và Hội đồng thủ công Thế giới sẽ trao chứng nhận cho 02 làng nghề vào ngày 14/2 -16/2/2025, tại Hoàng thành Thăng Long).
Chi cục Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai công tác bảo tồn, phát triển làng nghề, hỗ trợ các HTX phát triển. Cụ thể, năm 2024, toàn thành phố Hà Nội đã công nhận 14 danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống; Hỗ trợ củng cố được 38 HTX, hỗ trợ thành lập mới 09 HTX,…; Tham mưu xây dựng, trình Thành phố ban hành “Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2024 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu năm 2025
Năm 2025, Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Thành phố Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể, tham mưu xây dựng Chương trình xây dựng NTM thành phố Hà Nội giai đoạn 2026 – 2030 theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.
Đồng thời, đặt mục tiêu, phấn đấu hết năm 2025, Thành phố Hà Nội có thêm ít nhất 35 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 29 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; Có thêm từ 01 -02 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Song song với đó, phấn đấu trong năm 2025 có thêm khoảng 400 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Năm 2025, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục triển khai các kế hoạch như: Phát triển nông nghiệp theo chuỗi, củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố, tổ chức các hội thi, hội chợ, Festival,…
Tin rằng, với những kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2024, cùng với sự quan tâm của Trung ương và Thành phố, sự cố gắng, đồng lòng, quyết tâm của cán bộ, nhân viên, sự phối hợp của các cấp, ngành, sự ủng hộ của nhân dân, Văn phòng Điều phối Chương trình NTM thành phố Hà Nội và Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững, văn minh, hiện đại của Thủ đô trong năm 2025.
MnK