Trong đó bao gồm các hoạt động như khảo sát, đánh giá nhu cầu, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cho sản phẩm CNHT; tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực DN CNHT; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho DN CNHT; lựa chọn và công nhận các DN có trình độ và quy mô đáp ứng yêu cầu quốc tế; tổ chức các diễn đàn giữa DN CNHT Việt Nam với các DN trong và ngoài nước; xúc tiến thị trường nước ngoài, tham gia chuỗi sản xuất…
Đồng thời, Chương trình cũng thực hiện hỗ trợ DN áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị DN, quản trị sản xuất, như đánh giá khả năng và nhu cầu áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý trong sản xuất tại các DN; tổ chức đào tạo cho các DN; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để DN áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất. Bên cạnh đó, Chương trình đề ra các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT như đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của DN sản xuất; đào tạo cán bộ quản lý nhà nước về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại; đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật của DN về chính sách, quản lý, công nghệ, thương mại.
Đặc biệt, Quyết định số 71/QĐ-TTg dự kiến kinh phí thực hiện Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 870,7 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước là 750,2 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 120,5 tỷ đồng.
Cần hoàn thiện các chính sách phát triển CNHT
Trong 7 tháng đầu năm 2024 nhóm hàng công nghiệp chế biến đã xuất khẩu được khoảng 192 tỷ USD, chiếm tới 84,6% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của cả nước. Tuy nhiên, nhìn vào 226,98 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 7 tháng qua, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm tới 72,2%, trong khi đó, khu vực kinh tế trong nước mặc dù đã có sự tăng trưởng ấn tượng khi tăng gấp hơn 2 lần so với mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn chỉ ở mức 27,8%. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là do các ngành sản xuất chủ yếu vẫn đang gia công chế biến để phục vụ xuất khẩu. Việt Nam đang thiếu các DN sản xuất lớn trong các lĩnh vực công nghiệp cơ bản. Sự manh mún, nhỏ lẻ nhưng lại dàn trải nên rất khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội CNHT chia sẻ: “Đơn cử như bộ chế hoà khí của xe máy có khoảng 20 chi tiết linh kiện, thì ngành CNHT của Việt Nam hiện nay đang gia công từng chi tiết một. Trong khi đó các nước phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì đều hướng tới chế tạo các cụm chi tiết. Ví dụ, một bộ chế hoà khí đầy đủ như vậy thì có 20 DN chế tạo các chi tiết ấy và lắp đặt hoàn chỉnh sản phẩm. Nếu chỉ làm được các chi tiết nhỏ mà không phải là cụm chi tiết thì rất khó tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu”.
Các chính sách phát triển CNHT cần hoàn thiện kịp thời, tạo điều kiện tối đa cho DN
Các chuyên gia ước tính, quy mô thị trường ngành Cơ khí chế tạo Việt Nam từ nay đến năm 2030 sẽ ở mức khoảng 310 tỷ USD. Dự báo, đến năm 2030 giá trị các ngành máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản khoảng 15 tỷ USD; các loại thiết bị tiêu chuẩn như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực khoảng 10 tỷ USD. Giá trị cho lĩnh vực thiết bị đường sắt tốc độ cao khoảng 35 tỷ USD; đường sắt đô thị là 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô là 120 tỷ USD. Có thể nói, đây thực sự là một cơ hội lớn cho ngành Công nghiệp cơ khí, CNHT của Việt Nam phát triển.
Tổng Giám đốc Tập đoàn THACO (Trường Hải) ông Phạm Văn Tài cho biết: “Đối với ngành Công nghiệp cơ khí và CNHT, kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện và trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Luật Công nghiệp trọng điểm vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 để trình Quốc hội thông qua, tạo hành lang pháp lý thực sự thu hút các DN đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có chính sách hỗ trợ, giảm thiểu rủi ro đối với các DN đầu tàu để liên kết các DN vừa và nhỏ trong nước phát triển ngành Cơ khí và CNHT”.
Mới đây, tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng quý I/2024 của Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), các DN CNHT tại Hà Nội và FDI chia sẻ, khó khăn còn đến từ quy mô DN, nên thiếu năng lực tài chính cũng như trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, chính sách thực thi của Nhà nước đôi khi còn chậm, thủ tục hành chính còn nhiều phức tạp… Chẳng hạn, như quy định về chứng nhận DN CNHT rất phức tạp, đến nay có rất ít DN được chứng nhận để được nhận ưu đãi từ Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT của Chính phủ.
Đặc biệt, các DN đưa ra kiến nghị, cần sớm xây dựng Luật CNHT và trình Quốc hội ban hành trong thời gian nhanh nhất. Trong khi chờ ban hành, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu ban hành Nghị quyết về cơ chế thí điểm cho DN ngành CNHT Việt Nam. Các cơ quan quản lý cũng cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN thuộc ngành CNHT, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt tỷ trọng 5 - 10% trên tổng số DN Việt Nam.
Phương Lê