Thời gian qua, dù nhận được nhiều hỗ trợ chính sách và cũng đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng hoạt động của ngành này vẫn còn nhiều hạn chế... Do vậy, ngành CNHT cần được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách.
Chưa tận dụng được cơ hội
Theo Bộ Công Thương, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành CNHT vẫn còn hạn chế. Đáng nói, ngành CNHT chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn… Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên DN chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.
Nhìn vào thực trạng phát triển CNHT, bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) đánh giá, thời gian qua, dù đã chủ động mở cửa để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, nhưng ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Phần lớn doanh nghiệp lĩnh vực CNHT có quy mô nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về vốn, thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực…
Mất thị phần từ làn sóng nước ngoài
Được đánh giá đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp, là “linh hồn" của công nghiệp chế tạo, nhưng thời gian qua, lĩnh vực CNHT của Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với đó, “làn sóng” đổ bộ của nhiều tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chưa bắt kịp. Điều này cho thấy, doanh nghiệp CNHT chưa đủ lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, một số doanh nghiệp CNHT trong nước đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả, cắt giảm chí phí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, trở thành nhà cung ứng trực tiếp với các nhà sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và các tập đoàn đa quốc gia; tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hoạt động CNHT ngày càng phát triển, cung cấp nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành sản xuất như ngành Dệt may - Da giày đạt 45-50%; Cơ khí chế tạo đạt hơn 30%. Tuy vậy, Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, việc thực hiện chính sách, pháp luật phát triển ngành CNHT, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập.
Cần được hỗ trợ nhiều hơn về cơ chế, chính sách
Tại tờ trình về việc tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT (Nghị định số 111), Bộ Công Thương cho hay, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT. Các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển có thể được hưởng ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm CNHT.
Ngoài chính sách thuế, Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực CNHT. Về tài chính, Bộ Công Thương đề xuất, trên cơ sở khả năng bố trí ngân sách trong từng thời kỳ, ngân sách Trung ương hỗ trợ bằng hình thức cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư dự án với mức cấp bù chênh lệch lãi suất 3%/năm.
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra đầu tháng 6, trong phiên chất vấn nhóm lĩnh vực công thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận, việc triển khai các chính sách ưu đãi với ngành CNHT vẫn còn nhiều hạn chế. “Nguồn lực đầu tư của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa rất khó tiếp cận, vừa chồng chéo với nhau. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thật sự phù hợp, khiến cho các doanh nghiệp rất khó tiếp cận và khó đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách”, Bộ trưởng cho biết.
Trước khó khăn này, thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng. Đó là những ngành tạm coi là nền tảng của ngành công nghiệp Việt Nam và cũng là động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này, triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy hiệu quả của các trường Đại học, Cao đẳng thuộc ngành Công Thương và một số trường nghề ở trong ngành lao động cũng như ngành giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2026-2035. Trong đó, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa công nghệ cao dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT và triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm CNHT, công nghiệp cơ khí trong nước.
Trường An