Thứ Năm, 21/11/2024 16:54:00 GMT+7
Lượt xem: 420

Tin đăng lúc 16-11-2024

Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam đang có nhiều điểm sáng

Mặc dù ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang gặp khó khăn, tuy nhiên, xuất khẩu phụ tùng, linh kiện ô tô từ Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng. Điều này cho thấy vị thế của Việt Nam đang được nâng cao trong chuỗi cung ứng sản xuất ô tô trên thế giới.
Ngành công nghiệp phụ trợ ô tô Việt Nam đang có nhiều điểm sáng
Dây chuyền sản xuất tự động linh kiện xe Honda ở Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso tại KCN Nam Sách (Hải Dương)

Theo thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cả nước hiện có hơn 377 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe và 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô...

 

Điểm mặt những doanh nghiệp CNHT “tỷ đô”

 

Không chỉ phục vụ sản xuất lắp ráp ô tô trong nước, những doanh nghiệp này còn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới với doanh thu hàng tỷ USD đang tạo nên bức tranh tươi sáng cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô tại Việt Nam.

 

Công ty Ắc quy GS Việt Nam là doanh nghiệp FDI Nhật Bản đã hoạt động tại Việt Nam 27 năm. Sản phẩm của ắc quy GS chiếm khoảng 60% thị phần xe máy, với khách hàng là các hãng Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki. Trong mảng ô tô, ắc quy GS đang cung ứng cho các nhà máy lắp ráp ô tô Toyota, Honda và xe Mercedes-Benz lắp ráp tại Việt Nam.

 

Tương tự, ắc quy Đồng Nai là một thương hiệu con của Pinaco (Công ty CP pin ắc quy miền Nam), nhà cung cấp ắc quy cho loạt khách hàng sản xuất ô tô và xe máy như: Honda Việt Nam, Ford Việt Nam, Mercedes-Benz Việt Nam, Thaco Trường Hải, KIA Motors, Hyundai, Mekong Auto, Samco, VEAM. Đặc biệt, hãng xe VinFast cũng lựa chọn bình ắc quy Đồng Nai 12V trên một số dòng xe điện của hãng tung ra thị trường.

 

Còn đối với Denso Việt Nam, đây là doanh nghiệp CNHT hàng đầu trong lĩnh vực cung ứng chi tiết, linh kiện cơ khí trong động cơ ô tô, xe máy với doanh thu khoảng 380 triệu USD/năm, trong đó Toyota là khách hàng lớn nhất. Hay như, Bridgestone là nhà sản xuất lốp xe hàng đầu Nhật Bản, có nhà máy trị giá 1,224 tỷ USD được đầu tư vào Việt Nam từ năm 2014 tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng. Năng lực sản xuất của nhà máy Bridgestone Việt Nam đạt khoảng 49.000 lốp/ngày với số lượng lao động khoảng 4.000 người.

 

Tại Việt Nam, Bridgestone Việt Nam đã cung cấp hơn 500.000 lốp theo xe và lốp thay thế cho nhiều dòng sản phẩm chủ lực của Toyota tại Việt Nam cũng như các dòng Toyota lắp ráp Thái Lan, như dòng lốp xe ECOPIA EP150 với kích thước 205/65R16 đã được cung cấp như lốp theo xe Toyota Innova trên khắp ASEAN.

 

Sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô trở thành điểm sáng

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9, xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt gần 1,1 tỷ USD, giảm 17,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, tổng kim ngạch 9 tháng đầu năm vẫn tăng 3,8%, đạt hơn 11 tỷ USD và nằm trong top 10 nhóm hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2024.

 

Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Đức đều là các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm với kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Thị trường này chiếm gần 22% tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng trong 9 tháng năm 2024.

 

Dù ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang gặp khó khăn, xuất khẩu linh kiện phụ tùng từ Việt Nam vẫn tăng, đã cho thấy vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới. Nguyên nhân là do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

 

Các linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu những năm gần đây có công nghệ tương đối cao như: Bộ dây đánh lửa, phụ tùng trong hộp số, túi khí an toàn, linh kiện điện tử trong hộp số,… Tuy nhiên, theo giới quan sát, thành tích về công nghệ sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đối với nhóm mặt hàng này chủ yếu nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 

 

Trong khi đó, với doanh nghiệp thuần Việt trong lĩnh vực này cũng lên đến hàng trăm nhưng chủ yếu sản xuất những sản phẩm, linh kiện đơn giản, công nghệ chưa cao, giá trị còn thấp… Đa số các doanh nghiệp này khó có thể trở thành nhà cung ứng sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM).

 

 

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành CNHT, đáp ứng từ 80 - 85% nhu cầu linh kiện ô tô trong nước

 

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng năm 2024 là thời cơ vàng cho nhóm ngành linh kiện phụ tùng ô tô phát triển bởi Việt Nam đang hội tụ được nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực, dòng vốn tiếp tục chảy vào lĩnh vực chế biến chế tạo sẽ giúp chuỗi cung ứng ngành ô tô ngày một trưởng thành.

 

CNHT đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất

 

Theo định hướng của Bộ Công Thương, đến năm 2045 sẽ tập trung vào sản xuất xe điện hóa, xe hybrid, xe sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu xanh. Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu phương tiện và phụ tùng đạt khoảng 14 tỷ USD và đến năm 2045, con số này sẽ tăng lên 36 tỷ USD. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ngành CNHT, đáp ứng từ 80 - 85% nhu cầu linh kiện ô tô trong nước và trở thành nhà cung cấp quan trọng cho khu vực và toàn cầu.

 

Mặc dù vậy, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như tỷ lệ nội địa hóa đối với xe đến 9 chỗ thực tế mới chỉ đạt mức trung bình 12 - 20%, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu năm 2020 (30 - 40%); Tỷ lệ xuất khẩu đối với xe đến 9 chỗ, thực tế xuất khẩu mới chỉ đạt khoảng 1.000 xe, thấp hơn khá nhiều so với mức mục tiêu năm 2020 là 5.000 xe.

 

Nhằm quyết tâm thúc đẩy ngành ô tô Việt Nam phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, trong đó có nội dung "Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam".

 

Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước ngoài tạo việc làm, cũng cần mở rộng thị trường, hướng tới xuất khẩu; Đổi mới sáng tạo, hợp tác và phân công sản xuất nhằm phát triển hệ sinh thái CNHT, đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm.

 

Huyền My


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang