Công nghiệp điện tử tăng trưởng vượt bậc
Vĩnh Phúc hiện có khoảng trên 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT sản xuất linh kiện điện tử, chiếm tỷ lệ trên 43% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với các sản phẩm đa dạng như: Máy tính xách tay, điện thoại thông minh, tai nghe, bộ phát wifi cao cấp và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cho Tập đoàn điện tử Samsung,…
Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn, điển hình như: Công ty TNHH Partron Vina, có vốn đầu tư 270 triệu USD; Công ty TNHH Heasung Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử, điện thoại di động, sản phẩm camera,… vốn đầu tư 165 triệu USD; Công ty TNHH Power Logics Vina sản xuất linh kiện điện tử, vốn đầu tư 100 triệu USD; Công ty TNHH Ắc quy GS Việt Nam chuyên sản xuất ắc quy chất lượng cao, ắc quy đặc chủng; Công ty TNHH BH Flex Vina sản xuất linh kiện điện tử có vốn đầu tư 61 triệu USD;…
Đặc biệt, phần lớn các doanh nghiệp CNHT điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thuộc các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Những doanh nghiệp này sử dụng dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hoá ở nhiều công đoạn. Nhiều doanh nghiệp đang tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể duy trì và đáp ứng được các đơn hàng lớn.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, đã có một số dự án, nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu đi vào hoạt động, góp phần gia tăng sản lượng và doanh thu cho ngành như dự án Mitrastar Việt Nam (sản xuất thiết bị kết nối mạng); Dự án Universal Microwave Technology (sản xuất linh kiện truyền dữ liệu); Dự án Acc Technologies (sản xuất 4 loa, micro cho điện thoại di động)...
Là một trong 3 trụ cột chính trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh, ngành CNHT sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng khi doanh thu 9 tháng đầu năm 2024 ước tăng 14%. Tiêu biểu có một số dự án hoạt động hiệu quả có tăng trưởng tốt như: Partron Vina tăng 30%, Jahwa tăng 31%; DKT tăng 31%; Amo Vina tăng 66%, BH Flex tăng 26%, Yingtong tăng 66%, Compal (Việt Nam) tăng 47%, Minh Đức tăng 17%, Arcadyan tăng 38%.
Điểm đến của các doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc
Có thể nói, nhờ chính sách thu hút FDI cởi mở và phương châm coi sự thành công của doanh nghiệp là thành công của địa phương, những năm qua, môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với phần lớn là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT điện tử. Trong đó, Hàn Quốc hiện là quốc gia có số dự án và tổng vốn đầu tư lớn nhất với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã và đang hoạt động hiệu quả.
Toàn tỉnh có 472 dự án FDI đến từ 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, Hàn Quốc xếp thứ nhất cả về số dự án đầu tư và số vốn đăng ký với 238 dự án có tổng vốn hơn 03 tỷ USD. Các dự án đầu tư này phần lớn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử; Ô tô, phụ tùng ô tô; Dệt may; Sản xuất điện tử, chất bán dẫn - các ngành chủ lực trong định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, tấm mạch in mềm (FPCB) đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, Công ty TNHH BHFlex Vina (KCN Khai Quang) đã không ngừng đổi mới công nghệ, đầu tư nhiều dây chuyền, trang thiết bị hiện đại nhằm chủ động trong quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động và đáp ứng tiến độ cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Hoạt động hiệu quả, Công ty không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh lên 1.600 triệu tấm sản phẩm/năm và đang giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Giống như BHFlex Vina, Công ty TNHH Optrontec Vina ở KCN Bá Thiện II (huyện Bình Xuyên) cũng là doanh nghiệp FDI 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Doanh nghiệp này hiện đang là một trong những Vendor (nhà sản xuất cung ứng cấp I) của SamSung và là nhà cung cấp linh kiện điện tử cho nhiều công ty lớn thuộc các hãng sản xuất điện thông minh như: Huawei, Xiaomi, Oppo. Tổng doanh thu năm 2023 của Công ty đạt trên 3.200 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
Công ty TNHH Optrontec Vina (KCN Bá Thiện 2) đã trở thành nhà cung cấp cho các công ty điện tử lớn của Huawei, Xiaomi, Oppo
Đại diện doanh nghiệp cho biết: Trong bối cảnh thế giới đang chuyển đổi sang kỷ nguyên số, các sản phẩm điện tử ngày càng được sử dụng rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày, đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn chuyển mình. Không nằm ngoài xu thế đó, Công ty tiếp tục đầu tư máy móc công nghệ, đảm bảo nghiêm ngặt quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm; Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ở một số công đoạn sản xuất nhằm tăng thêm lợi nhuận, mở rộng quy mô sản xuất.
Sau hơn 07 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II - doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên sản xuất các sản phẩm bản mạch điện tử (FPCBs), bản mạch dán bề mặt (SMT) phục vụ sản xuất điện thoại di động, máy tính đã khẳng định chỗ đứng trên thị trường, trở thành đối tác của nhiều tập đoàn lớn như: Apple, LG, SamSung... Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được chứng nhận doanh nghiệp CNHT công nghệ cao trong kế hoạch ưu tiên phát triển.
Tiếp tục tạo hành lang thông thoáng thu hút đầu tư
Xác định công nghiệp điện tử có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang thông thoáng, cũng như ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc còn tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; Hỗ trợ chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực CNHT điện tử công nghệ cao nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính cho sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Trong đó, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3663 về Chương trình hỗ trợ phát triển CNHT giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến năm 2025, CNHT của tỉnh trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm công nghiệp điện tử có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm với từng chỉ số thành phần, tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và những chính sách mang tính đột phá để thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh. Mặt khác, lãnh đạo tỉnh còn chủ động tiếp đón và làm việc với nhiều đoàn nhà đầu tư đến từ các nước như: Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... đến tìm hiểu môi trường đầu tư của địa phương và ký kết ghi nhớ biên bản hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động tiếp cận, xúc tiến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh.
Năm 2023, toàn tỉnh cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 28 dự án với tổng số vốn hơn 275 triệu USD; Thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 50 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng hơn 329 triệu USD. Trong đó, các dự án thu hút mới chủ yếu là sản xuất, gia công các sản phẩm, linh kiện điện tử nằm trong chuỗi sản xuất của Tập đoàn Samsung. Điều này đã, đang và sẽ tạo thuận lợi rất lớn, đưa ngành CNHT điện tử tại Vĩnh Phúc phát triển hơn nữa.
Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phát triển các sản phẩm linh kiện, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tăng cường mối liên kết, quan hệ sản xuất, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp nội địa trên địa bản tỉnh với doanh nghiệp FDI; Khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm CNHT, hình thành cụm ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp nội địa chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cung ứng cho các ngành đang có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh và địa phương lân cận, trước hết là phục vụ ngành CNHT điện tử và cơ khí, sản xuất kim loại để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi sản xuất cung ứng linh phụ kiện cho thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách Chính phủ đã ban hành về phát triển CNHT nhằm tạo đà cho ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp điện tử nói riêng phát triển bền vững, góp phần giúp Việt Nam duy trì thứ hạng nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới.
Trường An