Thứ Năm, 21/11/2024 20:16:41 GMT+7
Lượt xem: 2976

Tin đăng lúc 22-07-2024

Ngành Da giày vẫn gặp khó về nguồn cung nguyên phụ liệu

Phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đầu ra cho sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành da giày chưa bền vững… là một trong những nguyên nhân khiến công nghiệp hỗ trợ lĩnh vực da giày chưa như kỳ vọng.
Ngành Da giày vẫn gặp khó về nguồn cung nguyên phụ liệu
Các DN ngành Da giày đang gặp khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu

Cần chủ động về nguyên phụ liệu

 

Da giày là ngành tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là ở khối các thị trường có Hiệp định EVFTA, CPTPP. Việt Nam là nước sản xuất giày dép đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu da giày cả nước tháng 4/2024 ước đạt 1,956 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép 4 tháng đầu năm 2024 lên 6,542 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, ngành Da giày nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Một trong những khó khăn lớn là công nghiệp hỗ trợ cung ứng nguyên liệu chưa phát triển. Các DN chủ yếu tâp trung vào gia công sản phẩm, chưa có định hướng phát triển nguyên phụ liệu.

 

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Lefaso, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thái Bình (TBS Group) cho biết: “Hiện nay phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu được nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN nên để đáp ứng tỉ lệ xuất xứ nội khối theo yêu cầu của các FTA là một trở ngại lớn”.

 

Đáng chú ý, nguyên phụ liệu da giày chỉ mới tập trung cho dòng sản phẩm trung bình và trung bình khá, còn lại vẫn phải nhập khẩu khiến giá trị gia tăng của ngành đạt được không cao. Hàng năm, một số DN vẫn phải nhập khẩu các phụ liệu như: Da thuộc, vải kỹ thuật, phụ kiện làm khuôn, đế, chất dẻo, keo dán, hóa chất…

 

Toàn ngành có 129 DN đầu tư vào sản xuất nguyên, phụ liệu, nhưng mới chỉ có khoảng 20 DN trong nước đủ sức cung ứng nguồn nguyên liệu cao cấp, khiến cho các nhà sản xuất da, giày khó chủ động được đơn hàng và nguồn nguyên liệu.

 

Các chuyên gia nhận định, ngành Da giày Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn từ các hiệp định thương mại, nhưng việc có thể tận dụng được hay không thì cần phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu trong nước.

 

Nhiều chính sách gây khó cho xuất khẩu da giày

 

Cùng với đó, gần đây, các thị trường nhập khẩu giày dép đưa ra hàng loạt yêu cầu mới, ngày càng cao với sản phẩm nhập khẩu, như trách nhiệm xã hội, môi trường. Điển hình như thị trường Liên minh châu Âu (EU), từ tháng 3 vừa qua đã đưa ra các yêu cầu mới về thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững hay truy xuất, minh bạch chuỗi cung ứng.

 

Đặc biệt, mới đây Mỹ đã ban hành chính sách cho phép áp dụng điều tra trợ cấp xuyên quốc gia. Chính sách này nhằm vào những ngành gia công và nhiều nguyên phụ liệu đầu vào. Theo đó, nếu Việt Nam mua nguyên phụ liệu từ nước thứ 3 và nước này trợ cấp sản xuất nguyên phụ liệu, nếu Việt Nam mua sử dụng sản phẩm này để sản xuất và xuất khẩu sẽ bị đánh thuế.

 

 

Dây chuyển sản xuất giày tại TBS Group

 

Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã xác định Dệt May - Da giày là hai trong số 7 ngành công nghiệp ưu tiên của Việt Nam. Để tiếp tục phát triển ngành trong giai đoạn sắp tới, cần có những giải pháp đột phá để nâng cấp chuỗi giá trị ngành nhằm tạo ra những lợi ích bền vững.

 

Vì vậy, để giải quyết tình trạng trên, theo chuyên gia, các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện và minh bạch thông tin chuỗi cung ứng sản phẩm của mình bắt đầu từ khâu nguyên liệu, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Đặc biệt, cần thiết thành lập trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành Da giày. Khi có trung tâm này, các DN Việt Nam sẽ thúc đẩy nội lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

 

Thành lập trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu để nâng cao sức cạnh tranh ngành Da giày

 

Chính phủ đã đặt mục tiêu về phát triển công nghiệp hỗ trợ là xây dựng 3 trung tâm của ngành cơ khí và 2 trung tâm của ngành Dệt May, Da giày. Hiện nay, Bộ Công Thương đã khởi công xây dựng 2 trung tâm cơ khí tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. “Trung tâm của ngành Dệt May và Da giày đã hội đủ điều kiện để xây dựng”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP (ngày 3/11/2015) về phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó da giày là một trong 6 ngành được hưởng các chính sách ưu tiên đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu. Bên cạnh đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Chương trình phát triển bền vững ngành Dệt May - Da giày để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Nhất trí với kiến nghị thành lập Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam tại Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã yêu cầu Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và Lefaso nghiên cứu, đề xuất xây dựng Đề án thành lập khu Trung tâm giao dịch phát triển nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với Hiệp hội kiến nghị giải quyết nội dung sửa đổi bổ sung điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP về xuất nhập khẩu tại chỗ.

 

“Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng Lefaso và các DN trong ngành Da giày tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu. Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới những cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp nói chung, ngành da giày - túi xách nói riêng, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

 

Bảo Kiên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang