Thứ Sáu, 22/11/2024 14:37:56 GMT+7
Lượt xem: 1659

Tin đăng lúc 23-07-2022

Nhiều giải pháp thúc đẩy CNHT ngành cơ khí phát triển

Nhiều doanh nghiệp (DN) cơ khí (CK) Việt Nam được đánh giá là có năng lực tốt ở một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện CK, dây cáp điện, linh kiện nhựa... Nhưng chất lượng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của các DN trong nước đa phần vẫn còn thấp, giá thành cao, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Bài toán thúc đẩy CNHT ngành CK phát triển đang trở thành bức thiết hơn bao giờ hết.
Nhiều giải pháp thúc đẩy CNHT ngành cơ khí phát triển
CNHT ngành CK còn nhiều dư địa phát triển

Dịch bệnh Covid-19 tạo ra nhiều khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu song cũng mở ra nhiều cơ hội cho các DN CK của Việt Nam trong việc nâng cao thị phần nội địa. Hiện nay, các DN cơ khí trong nước đã sản xuất, lắp ráp được hầu hết các chủng loại xe ô tô con, xe tải, xe khách. Sản xuất xe máy đã có tỷ lệ nội địa hóa 85- 95%, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số điển hình trong lĩnh vực ô tô có thể kể đến những cái tên như: Vinfast, Thành Công, Thaco…

 

Không thể phủ nhận rằng, thời gian qua, một số sản phẩm CK Việt Nam đã đạt chất lượng tốt, tương đương với chất lượng sản phẩm của một số quốc gia trong khu vực. Hiện DN sản xuất linh kiện ngành CK trong nước có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Do nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ DN đầu tư trực tiếp nước ngoài, hướng vào xuất khẩu sản phẩm CK.

 

Linh kiện kim loại sản xuất trong nước đã đáp ứng được 85 - 90% nhu cầu cho sản xuất xe máy, khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô (tùy chủng loại xe), khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ và 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng. Cung ứng linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao hiện đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

 

Dù đạt được những thành công song CNHT ngành CK của Việt Nam nhìn chung vẫn chưa phát huy đúng với tiềm năng. Hiện có trên 500 DN sản xuất các loại linh kiện kim loại cung ứng cho các ngành hạ nguồn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số hơn 7.000 DN CK của cả nước. Chất lượng sản phẩm CNHT ngành CK của một số DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Ngoài ra, Việt Nam cũng thiếu nhiều DN CK lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. 

 

Theo tính toán của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%.

 

Các chuyên gia cho hay: Ngành CNHT của Việt Nam đã tụt hậu 2 - 3 thế hệ so với khu vực. CNHT nói chung là CNHT ngành CK Việt Nam nói riêng hiện vẫn còn rất nhiều điểm yếu cố hữu như: Thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Hay như khâu tạo phôi – một khâu rất quan trọng trong công nghiệp CK, các cơ sở sản xuất vẫn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, tỉ lệ chế phẩm cao.

 

 

Nhà máy sản xuất khuôn mẫu của THACO

 

Cơ khí Việt Nam chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, chưa đúc được những mác thép có chất lượng và độ bền cao. Khâu nhiệt luyện và xử lý chất lượng bề mặt các sản phẩm CK còn yếu đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các chi tiết thành phẩm. Hiện ngành CK còn thiếu những cơ sở nhiệt luyện tiên tiến. Khâu gia công kim loại bằng cắt gọt vẫn sử dụng đa số các loại máy móc công cụ lạc hậu, thiếu chính xác, phương pháp công nghệ cũ, trình độ tự động hóa thấp…

 

Bộ Công Thương đặt kế hoạch, sau năm 2025, ngành CK sẽ hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế, chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp. Cụ thể, Bộ hỗ trợ một số DN trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực thuộc lĩnh vực chế tạo như: ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện; hình thành hệ thống DN CNHT ngành CK đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, với đối tượng DN vừa và nhỏ chiếm vai trò chủ đạo.

 

Mục tiêu hướng đến của ngành CK đến năm 2025 là sẽ phát triển một số phân ngành cơ khí ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

 

Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam để hỗ trợ các DN CNHT ngành CK đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh, nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất linh kiện CK phát triển, Nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ khuyến khích phát triển sản xuất các loại vật liệu chế tạo; đồng thời lựa chọn phát triển có trọng điểm các ngành hạ nguồn đi kèm với khuyến khích phát triển CNHT cho những lĩnh vực đó.

 

Bộ cũng đề xuất hàng loạt chính sách liên quan đến phát triển ngành cụ thể như: Ưu tiên việc sử dụng các sản phẩm CKí trong nước, đặc biệt với các dự án vốn nhà nước, vốn đầu tư công; khuyến khích các nhà đầu tư sử dụng các sản phẩm, linh kiện do DN trong nước sản xuất và quy định các chế tài nghiêm khắc với các chủ đầu tư không thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng sản phẩm CK trong nước.

 

Phương Lê


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang