Thứ Sáu, 22/11/2024 07:44:02 GMT+7
Lượt xem: 2421

Tin đăng lúc 29-04-2020

Ninh Bình: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô

Sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là những ngành mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh Ninh Bình. Trong những năm qua, Ninh Bình đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy các ngành này phát triển hơn nữa.
Ninh Bình: Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Hyundai Thành Công (KCN Gián Khẩu - Gia Viễn)

Việc Nhà máy Ô tô Thành Công, một trong ba nhà máy lắp ráp ô tô của Việt Nam đặt tại Ninh Bình đã tạo ra động lực mạnh mẽ thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô. Năm 2019, các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc Tập đoàn ô tô Thành Công có sản lượng sản xuất khoảng 70.500 xe ô tô, tăng 25% so với năm 2018, nộp ngân sách hơn 9.000 tỷ đồng.

 

Sự thành công của ngành công nghiệp ô tô đã tạo ra hiệu ứng thu hút ngày một nhiều hơn các doanh nghiệp CNHT cho ngành này phát triển tại Ninh Bình. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng về năng lực sản xuất, lắp ráp ô tô của Tập đoàn Thành Công, ngành CNHT cho sản xuất, lắp ráp ô tô tại tỉnh Ninh Bình cũng đang từng bước phát triển.

 

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Ninh Bình đã thu hút được 9 dự án đầu tư vào sản xuất linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp ô tô. Có thể kể ra một số cái tên như: Công ty TNHH ADM21 Việt Nam với năng lực sản xuất 20 triệu chiếc cần gạt nước ô tô/năm, toàn bộ sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. Công ty TNHH Sejung Việt Nam chuyên sản xuất ống xả có tổng vốn đầu tư 443,4 tỷ đồng, công suất thiết kế 570.500 sản phẩm/năm. Nhà máy sản xuất camera mô đun và linh kiện điện tử của Công ty TNHH MCNEX VINA, vốn đầu tư 1.932,67 tỷ đồng...

 

 

Dây chuyền sản xuất ghế ngồi ô tô của Công ty TNHH DNC Automotive cung cấp cho Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công.

 

Ông Trần Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Chương trình phát triển CNHT tỉnh Ninh Bình đến năm 2025 và về Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên lĩnh vực CNHT”.

 

Sự phát triển CNHT đã mang lại vẻ tươi mới cho bức tranh kinh tế tổng thể của Ninh Bình. Theo các số liệu thống kê, năm 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 71.830 tỷ đồng, tăng 24,46% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 25,81% kế hoạch. Trong đó giá trị sản xuất công nghiệp của sản phẩm CNHT chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động của địa phương.

 

Hiện tại, Ninh Bình đang tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển CNHT cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử. Ninh Bình cũng đã đưa ra định hướng rõ ràng nhằm triển CNHT trong thời gian tới.

 

Trước mắt, tập trung tối đa để thu hút hỗ trợ, ưu đãi cho cho dự án sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất sản phẩm CNHT cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô để phục vụ cho dự án Nhà máy sản xuất ô tô Hyundai Thành Công tại Khu công nghiệp Gián khẩu, các nhà máy trong nước và khu vực.

 

Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển CNHT. Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT, mở rộng liên kết đào tạo trong nước với đào tạo nước ngoài.

 

Cùng với đó, Ninh Bình đang khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng liên kết, hợp tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Trước mắt tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... là những nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng các cơ hội chuyển giao, đổi mới công nghệ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Từ năm 2018 đến nay, Ninh Bình đã thu hút được 7 dự án đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án về lĩnh vực CNHT lên 19 dự án, trong đó có 9 dự án CNHT của ngành công nghiệp ô tô.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang