Cụ thể, tại KCN Sông Khoai có: Dự án của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam (Thụy Điển) tại KCN Sông Khoai có vốn đầu tư 154 triệu USD, sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu. Bên cạnh đó còn có dự án của Công ty TNHH Samsong Vina (Hàn Quốc), vốn đầu tư gần 10,3 triệu USD, sản xuất dây đai an toàn dùng trong ngành công nghiệp ô tô và sản xuất chốt khóa bằng thép của dây đai an toàn.
Tại KCN Bắc Tiền Phong cũng thu hút được 2 dự án công nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô gồm: Dự án của Boltun Việt Nam (Đài Loan) chuyên sản xuất khóa chốt và các sản phẩm dập định hình, có tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, tổng công suất thiết kế 60.000 tấn sản phẩm/năm; Dự án còn lại là Nhà máy Sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh của Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group, vốn đầu tư 55 triệu USD, chuyên sản xuất vành xe cho ô tô, công suất thiết kế 2,5 triệu sản phẩm/năm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, những dự án trong lĩnh vực sản xuất ô tô và công nghiệp hỗ trợ của ngành ô tô có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chủ trương thu hút các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại, thông minh, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế theo hướng bền vững của tỉnh Quảng Ninh.
Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ sớm hình thành một trung tâm sản xuất ô tô, để đạt được mục tiêu này, Quảng Ninh đang tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến mặt bằng KCN quy mô lớn, nguồn nhân lực, năng lượng… để thu hút dòng vốn FDI chất lượng vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói chung và ngành công nghiệp ô tô nói riêng.
Nhuận Chí