Cụ thể, theo Điểm b, Khoản 1, Phụ Lục II, Quyết định số 1048/QĐ-Ttg: Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp huyện) thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (Hội đồng cấp huyện), Tổ tư vấn (hoặc Tổ giúp việc) và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng. Hội đồng cấp huyện tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. UBND cấp huyện ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá và Giấy chứng nhận cho các sản phẩm đạt 3 sao, tổ chức công bố kết quả. UBND cấp huyện chuyển hồ sơ các sản phẩm có số điểm đạt từ 70 điểm đến 100 điểm (từ 4 sao trở lên) lên Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (UBND cấp tỉnh) để đề nghị đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP.
Trước đó, ngày 21/08/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1048/QĐ-Ttg về việc Ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Theo Quyết định này, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên sẽ do Hội đồng cấp tỉnh, trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận.
Theo thống kê đến ngày 31/10/2022, cả nước có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó, sản phẩm 3 sao chiếm 65,4%. Tính đến năm 2021, Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên ( 534 sản phẩm OCOP 3 sao). Năm 2022, Hà Nội có 488 sản phẩm của 26/30 quận, huyện, thị xã tham gia đánh giá phân hạng.
MNK