Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Lâm Thanh – Giám đốc TikTok Việt Nam nhấn mạnh: Tiêu chuẩn hóa và xác nhận chất lượng các sản phẩm OCOP (mỗi địa phương một sản phẩm) trong thời gian qua không ngừng được Bộ NNPTNT và các địa phương quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc quảng bá và đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Trong khi đó, TikTok là một nền tảng mới với nhiều công cụ để hỗ trợ quảng bá cũng như bán hàng.
“Chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xây dựng một chương trình hợp tác trong đó có 2 mục tiêu: Thứ nhất là quảng bá chương trình OCOP cùng các đặc sản Việt Nam đến người tiêu dùng thông qua việc xây dựng các kênh nói về các sản phẩm đặc sản của Việt Nam trên nền tảng TikTok; thứ hai là nâng cao trình độ các chủ thể OCOP để từ đấy đưa các sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử TikTok Shop. Các chương trình sẽ được làm cả ở cấp quốc gia và cả ở cấp địa phương” – ông Nguyễn Lâm Thanh cho hay.
Nhằm đưa các sản phẩm nông sản là đặc sản của các địa phương đến tay người tiêu dùng cả nước một cách hiệu quả, sáng 28.2, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) và TikTok Việt Nam đã ký kết Hợp tác Chiến lược nâng cao năng lực chuyển đổi số cho Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).
Chương trình nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã trong việc số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình OCOP nhằm đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống, du lịch nông thôn trên môi trường số.
“Hoạt động này đóng góp vào tiến trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025” – ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tiến, trong khuôn khổ hợp tác, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai các khoá tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực số cho các chủ thể OCOP tại các tỉnh thành (Ninh Bình, Thanh Hoá, Thái Nguyên, Huế, Lâm Đồng...), đồng thời, tái khởi động hashtag #DacSanVietNam trên nền tảng nhằm thúc đẩy tương tác và kết nối giao thương giữa các đơn vị và người tiêu dùng.
TikTok sẽ đồng tổ chức các lớp đào tạo chuyên môn về cách xây dựng nội dung video ngắn, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo TikTok for Business, đồng thời thiết lập ngành hàng riêng cho sản phẩm OCOP trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.
TikTok cũng phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông quảng bá cho các sản phẩm OCOP và các sự kiện liên quan trong năm 2023.
“Với hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, TikTok sẽ mang lại cho người dùng những trải nghiệm mua sắm mới mẻ, qua đó mở ra cơ hội tiềm năng cho các chủ thể OCOP khẳng định thương hiệu địa phương" – ông Nguyễn Minh Tiến nói.
Còn theo ông Nguyễn Lâm Thanh, TikTok không ngừng ưu tiên triển khai các hoạt động dài kỳ thể hiện cam kết song hành và hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kinh doanh trên nền tảng số.
Theo Lao động