Thứ Bẩy, 23/11/2024 15:11:15 GMT+7
Lượt xem: 1374

Tin đăng lúc 27-09-2024

Synopsys đồng hành cùng sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam

Synopsys là Tập đoàn đến từ Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu về phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA), hay phần mềm thiết kế chip, cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Chính thức tham gia vào thị trường vi mạch Việt Nam từ năm 2020, ông lớn ngành chip này đã có nhiều hoạt động lớn để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Synopsys đồng hành cùng sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam
Lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM và đại diện Tập đoàn công nghệ Synopsys ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực thiết kế vi mạch

Synopsys được thành lập tại Công viên Tam giác Nghiên cứu, Bắc Carolina vào năm 1986 bởi Aart J. de Geus và David Gregory. Công ty ban đầu  được thành lập với tên gọi Giải pháp tối ưu với các điều lệ phát triển và công nghệ tổng hợp thị trường do nhóm General Electric phát triển. Sau hơn 35 năm, Synopsys hiện nay tự hào là nhà cung cấp các giải pháp và dịch vụ thiết kế điện tử tự động hóa hàng đầu thế giới.

 

Với thương vụ sát nhập năm 2020, Synopsys đã tham gia thành công  vào thị trường vi mạch Việt Nam bằng cách mua lại một phần của eSilicon Corporation. Đến nay, Synopsys đang có hai văn phòng tại Việt Nam là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với hơn 400 nhân viên và có kế hoạch bổ sung thêm 300 đến 400 nhân viên.

 

Các sản phẩm của Synopsys bao gồm các công cụ tổng hợp logic và thiết kế vật lý của mạch tích hợp, trình mô phỏng để phát triển và môi trường gỡ lỗi hỗ trợ thiết kế logic cho chip và hệ thống máy tính.

 

Việt Nam được coi là một trong những điểm đầu tư chiến lược tại Châu Á Thái Bình Dương của Synopsys, điều này đã thể hiện rất rõ qua sự phát triển của Synopsys Việt Nam trong những năm qua. Synopsys đã giới thiệu nhiều công nghệ tiên tiến cho các đối tác Việt Nam nhằm tăng cường năng lực thiết kế vi mạch và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

 

Đại diện Synopsys cho rằng thách thức lớn hiện nay của ngành sản xuất chip là thiếu nguồn nhân lực, trong khi đó Việt Nam có thế mạnh nhân lực này và chi phí còn thấp so với các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia,… Chính vì thế Synopsys đã có nhiều chính sách hỗ trợ Việt Nam phát triển nhân lực.

 

Cụ thể, năm 2022, Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân tài thiết kế vi mạch tại Việt Nam với Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh (SHTP), Synopsys đã tài trợ 30 giấy phép trị giá 20 triệu USD cho hoạt động này.

 

Theo đó, Synopsys hỗ trợ SHTP thành lập trung tâm thiết kế chip thông qua chương trình tài trợ phần mềm. Sự hợp tác nhằm mục đích trau dồi tài năng thiết kế vi mạch tiên tiến và tạo điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.

 

Thông qua Synopsys Academic & Research Alliances (SARA), Synopsys sẽ cung cấp chương trình phần mềm dành cho đại học của mình, bao gồm chương trình giảng dạy, tài nguyên giáo dục và chương trình “đào tạo giảng viên” cho SHTP để thiết lập trung tâm thiết kế chip. SHTP sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thiết lập trung tâm thiết kế chip.

 

Bên cạnh đó, Synopsys tiếp tục bắt tay với Đại học CMC, để hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Đây là Trường Đại học thuộc Tập đoàn công nghệ CMC với mô hình Đại học số đầu tiên tại Việt Nam.

 

 

Việc bắt tay với Synopsys sẽ giúp Việt Nam đào tạo những nhân sự chất lượng cho ngành bán dẫn

 

Theo đó, Đại học CMC và Synopsys sẽ hợp tác đào tạo chuyển đổi và nâng cao (reskill và upskill) từ 2-6 tháng nhằm cung cấp nhân lực theo chuẩn quốc tế cho ngành thiết kế vi mạch. Ngoài ra, Synopsys sẽ cung cấp chương trình đào tạo theo chuẩn toàn cầu và đào tạo giảng viên theo công cụ và quy trình thiết kế chuẩn công nghiệp của Synopsys.

 

Synopsys cũng hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM trong phát triển nguồn nhân lực trình độ quốc tế lĩnh vực thiết kế vi mạch. Cụ thể, Synopsys tiếp nhận sinh viên đến thực tập và giới thiệu việc làm cho kỹ sư thiết kế vi mạch được đào tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời hỗ trợ bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trẻ lĩnh vực thiết kế vi mạch thông qua chương trình đào tạo ngắn hạn "Train-the-Trainer".

 

Việc hợp tác này được kỳ vọng sẽ giúp Đại học Quốc gia TP.HCM đào tạo được khoảng 1.800 kỹ sư có trình độ cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

 

Bằng lời khẳng định luôn đồng hành cùng sự phát triển của ngành bán dẫn Việt Nam, Synopsys đã ký biên bản ghi nhớ với Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Truyền thông Việt Nam, hỗ trợ phát triển ngành vi mạch bán dẫn với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và nhiều lãnh đạo Bộ, ngành trong đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam công du tại Mỹ trong năm 2023.

 

Trong khuôn khổ hợp tác, Synopsys hỗ trợ Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông lập kế hoạch thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn tại Việt Nam. Đây là đơn vị chủ trì đang tham mưu xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035. Trong đó, công nghệ tiên tiến của Synopsys dự kiến được đưa vào nguyên mẫu và mô phỏng để tối ưu hóa các thiết kế SoC phần mềm và phần cứng.

 

Sự hợp tác nhằm mục đích xây dựng dự thảo chiến lược để thành lập trung tâm chế tạo và mô phỏng R&D cao cấp, nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp về thiết kế vi mạch tiên tiến và hỗ trợ năng lực sản xuất chế tạo R&D tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, Synopsys cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề phát triển nguồn nhân lực tài năng thiết kế vi mạch (IC) tại Việt Nam. Trong đó, Synopsys hỗ trợ NIC thành lập một trung tâm ươm tạo thiết kế chip.

 

NIC đang xây dựng cơ sở hạ tầng cho trung tâm tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội, bao gồm các công nghệ tiên tiến của Synopsys trong tạo mẫu và mô phỏng đề tối ưu hóa phần mềm và đồng bộ thiết kế SoC (hệ thống trên chip) phần cứng. Hợp tác này giúp đào tạo lực lượng lao động thiết kế vi mạch chất lượng cao và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng khời nghiệp thiết kế chip tại Việt Nam.

 

Synopsys sẽ cung cấp giấy phép đào tạo, bao gồm giáo trình, nguồn lực giáo dục và chương trình đào tạo giảng viên cho NIC để giúp thành lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip. NIC sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo, dự kiến hoạt động trong tương lai gần.

 

Hy vọng thời gian tới, Synopsys Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn, đào tạo được nhiều kỹ sư chất lượng cho ngành thiết kế vi mạch hơn; chắp cánh cho nền công nghiệp điện tử và vi mạch Việt có những bước phát triển vượt bậc hơn, góp phần cùng với Việt Nam mang nền công nghiệp điện tử và vi mạch vươn tầm thế giới.

 

Trường An


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang