Thứ Năm, 21/11/2024 20:02:13 GMT+7
Lượt xem: 1017

Tin đăng lúc 08-12-2023

Tư duy sáng tạo, tạo nét độc đáo cho sản phẩm làng nghề

Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức là làng nghề dệt nổi tiếng Hà Nội và cả nước. Trong khi nhiều làng nghề dệt bị mai một, thì Phùng Xá không chỉ giữ được nghề mà còn đưa nghề dệt trở thành thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Sản phẩm của làng nghề Phùng Xá có nhiều nét độc đáo riêng, được tạo nên bởi trí sáng tạo của các chủ thể OCOP.
Tư duy sáng tạo, tạo nét độc đáo cho sản phẩm làng nghề
Thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức luôn quan tâm, tạo điều kiện để các làng nghề phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển (Trong ảnh: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm cơ sở sản xuất tại xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức)

Làng nghề dệt được hình thành từ năm 1929. Đến những năm 1970 – 1980, Phùng Xá được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc. Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố Hà Nội, huyện Mỹ Đức, xã Phùng Xá đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng nghề để phát triển kinh tế nông thôn. 

 

Theo thống kê, toàn xã Phùng Xá có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm... Làng nghề đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận. Giá trị kinh tế làng nghề chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế toàn xã. Sự phát triển của làng nghề cũng tạo nhiều thuận lợi cho địa phương khi triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm – OCOP. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 34 sản phẩm của 8 chủ thể là hộ sản xuất, doanh nghiệp được thành phố chứng nhận OCOP như: “Khăn lụa tơ tằm”; “Khăn lụa tơ sen”; “Chăn bông tơ tằm tự dệt”; các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm làm từ sợi nở, sợi tre, sợi cotton… Trong đó, Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức là đơn vị tiêu biểu. 

 

 

Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người con của đất Dâu tằm tơ Mỹ Đức luôn “say nghề”, đau đáu phát triển nghề dệt Phùng Xá nhằm giữ gìn, phát huy tinh hoa làng nghề

 

Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, nhiều sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Trong đó, sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt được chứng nhận OCOP 5 sao (năm 2022). Tham gia Chương trình OCOP năm 2023, Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức có hai sản phẩm, Gối cưới tơ sen và Khăn lụa tơ tằm dệt nổi hoa sen, đạt tiềm năng OCOP 4 sao. 

 

Theo Nghệ nhân Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức, các sản phẩm chất lượng cao tham gia và được chứng nhận OCOP là kết quả của quá trình lao động, sáng tạo không ngừng của những người làm nghề. Đối với sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt”, tôi đã phải nghiên cứu rất lâu để tìm cách điều khiển hàng nghìn con tằm nhả tơ trên một mặt phẳng. Đây là sản phẩm độc đáo trên thị trường Việt Nam”. Sản phẩm đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia, được bạn bè quốc tế ưa chuộng. 

 

 

 Sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt’ của Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức được Nhà nước cấp chứng nhận OCOP 5 sao. Đây là một trong số 22 sản phẩm trên toàn quốc đạt đủ tiêu chí OCOP 5 sao năm 2022

 

 Nói về sự sáng tạo trong làm nghề, Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ thêm, người làm nghề phải luôn sáng tạo. Chỉ có sự sáng tạo mới tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm, mới tạo nên sức sống cho nghề. Sau khi thành công với sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt, tôi đã mày mò, nghiên cứu để làm các sản phẩm từ tơ sen. Quá trình này tốn nhiều công phu và nguyên vật liệu. Đơn cử như để làm ra tấm khăn dài 1,7 mét phải cần tới 4.800 cuống sen, trong khi người thợ chăm chỉ, thạo việc mỗi ngày cũng chỉ làm được 200 - 250 cuống sen. Nếu tính cả thời gian tách tơ, thêu họa tiết phải kéo dài hơn 1 tháng mới hoàn thiện xong.

 

 Huyện Mỹ Đức hiện có 31 làng nghề, làng có nghề truyền thống, trong đó có 06 làng nghề đã được công nhận. Những năm qua, chính quyền các cấp huyện Mỹ Đức luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cho các làng nghề, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề phát triển như: Tạo điều kiện vay vốn đầu tư sản xuất; hỗ trợ quảng bá xúc tiến, thương mại; nhất là chương trình OCOP đã khơi dậy, phát huy tiềm năng của các làng nghề, nghệ nhân và người làm nghề.

 

 Nhờ Chương trình OCOP, giá trị sản phẩm làng nghề thêm một lần nữa được khẳng định, được tôn vinh. Qua thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho thấy, tinh thần lao động, trí sáng tạo đã không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn tạo bước đột phá cho doanh nghiệp làng nghề. Nhờ đó, sản phẩm làng nghề có nét độc đáo riêng, có lợi thế cạnh tranh riêng. 

 

Chương trình OCOP cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Thành phố, huyện, xã là “cú hích” để các nghệ nhân, người làm nghề phát huy năng lực, sức sáng tạo, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, khẳng định vị thế làng nghề. 

 

 MN

 

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang