Hiện nay, ngành Công nghiệp (CN) điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 17,8% toàn ngành CN, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Với sự hiện diện của các nhà máy sản xuất đến từ các công ty đa quốc gia như Samsung, Foxconn, Intel..., Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu ngành hàng điện tử hàng đầu trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất của ngành Điện tử vẫn đứng tốp đầu nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, trong đó: Sản phẩm điện tử, máy móc và linh kiện đạt 32,911 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại và linh kiện đạt 27,202 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Có thể nói, đây là những con số biết nói, có đóng góp rất lớn vào việc đảm bảo thặng dư và cán cân thương mại của Việt Nam.
Hiện Việt Nam có khoảng trên 2.000 DN tham gia vào ngành Điện tử chiếm 54,8% và FDI chiếm 45,2%. Tỷ lệ DN tham gia xuất khẩu trực tiếp khá cao (31%) và chủ yếu là DN FDI. Từ năm 2013 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu hàng năm đã vượt ngưỡng con số 30 tỷ USD. Những lợi thế lớn nhất của DN sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam đó là dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và nằm trong khu vực có nền CN phát triển nhanh và năng động. Ngoài ra, ngành cũng đang nhận được sự quan tâm, kiến tạo những cơ chế chính sách phát triển của Nhà nước.
Có thể nói, năng lực sản xuất của DN ngành CN điện tử của Việt Nam đã hấp dẫn nhiều nhà đầu tư Mỹ. Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho hay, nhiều nhà đầu tư Mỹ rất quan tâm, mong muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển năng lực sản xuất sản phẩm điện tử. Trên nền năng lực sản xuất sẵn có, nhà đầu tư Mỹ muốn thí điểm xây dựng chuỗi cung ứng ngành Điện tử ở Việt Nam trước khi mở rộng ra các nước khác.
Dù ngành CN điện tử Việt Nam có cơ hội đón nhận đầu tư từ Mỹ cho những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam, nội tại của ngành có những hạn chế ảnh hưởng đến khả năng đón nhận đầu tư. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam cho rằng, DN Việt tham gia chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh và không ổn định. Mặt khác, DN chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, khó tiếp cận các nguồn vốn vay và tài trợ, công nghệ chưa cao. “Thực tế, lực lượng lao động của chúng ta đang bị già hóa nhanh, tuổi lao động trung bình tăng lên. Kể cả lao động phổ thông bây giờ cũng rất khó tuyển dụng”, bà Hương nói.
Ngoài ra, có một thực cho thấy, hầu hết các DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử đều ở vị trí thấp, với đơn hàng không ổn định và giá trị gia tăng thấp. “Cùng một lượng đơn hàng nhưng DN FDI luôn được ưu tiên. DN Việt khi có đơn hàng thì cũng là những đơn hàng “xương xẩu” nhất, thời hạn thanh toán và các yêu cầu thanh toán cũng chặt chẽ hơn”, bà Hương nói. Do đó, DN Việt tham gia chuỗi cung ứng với vị thế đơn hàng bấp bênh, không ổn định, thậm chí bị chèn ép đơn hàng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa ngành Điện tử còn thấp, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp. Có thể nói, Việt Nam đang tham gia vào ngành Điện tử chủ yếu thông qua các DN FDI. Chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị định hướng xuất khẩu được điều hành chủ yếu bởi các DN này. Các quy trình ở trong nước chỉ giới hạn ở phạm vi chức năng rất hẹp, chủ yếu là lắp ráp, gia công đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.
Trong 10 năm trở lại đây, CN điện tử và CNHT điện tử đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chiếm trên 30% kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2021 và 2022 (371,85 tỷ USD). Dù vậy, bức tranh CNHT của ngành Điện tử có sự phát triển rất đặc thù và lệch. Xuất khẩu điện thoại chiếm tỷ trọng lớn nhất (73%), tiếp sau là mạch điện tử và tích hợp chủ yếu cung cấp cho máy tính và thiết bị ngoại vi. Đây là sản phẩm CNHT chủ lực của ngành Điện tử Việt Nam hiện nay.
Theo Hiệp hội CNHT Việt Nam, những DN CNHT của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, quy mô vốn, nhân lực hạn chế. Khu vực DN có vốn dưới 01 triệu USD – 05 triệu USD chiếm 21-26%. Đến cuối năm 2022, có trên 200 DN Việt Nam là nhà cung cấp lớp 1,2,3 cho Samsung, trong có 52 DN lớp 1. Tương tự, LG Việt Nam, Canon Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng là các DN Việt Nam khá đông đảo. Canon hiện đã có 176 DN địa phương là nhà cung cấp cho họ.
Để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng ngành Điện tử, ngành CNHT Điện tử của Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là, tập trung giải quyết vấn đề thiếu hụt nhà cung ứng có đủ tiêu chuẩn cung cấp cho các nhà máy điện tử hiện nay ở Việt Nam. Ngoài ra, cần tăng cường năng lực của DN và khả năng hấp thụ công nghệ của các DN để có thể tận dụng dòng vốn FDI, chuyển dịch tập trung tham gia ở công đoạn cao hơn trong chuỗi cung ứng, trước tiên là trong khu vực và sau đó là chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip điện tử làm đầu vào cho các ngành sản xuất mạch điện tử tích hợp, bóng bán dẫn, đồng thời cũng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để xuất khẩu thành phẩm sang các thị trường tiềm năng đang có xu hướng tăng nhập khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam.
Minh Phương