Công ty TNHH Tương Lai (tại xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai) là doanh nghiệp (DN) thuộc lĩnh vực CNHT, chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm nhựa và cao su kỹ thuật cao cho các công ty hàng đầu trong và ngoài nước như: Thaco, Piagio, Peugeot, Kymco, Marshall... Mỗi quý DN này sản xuất trung bình 1,2 - 1,5 triệu sản phẩm, linh kiện phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu. Theo bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Tương Lai, trong quá trình hoạt động, DN đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời về cơ chế, chính sách của cơ quan chức năng. Sở dĩ Công ty TNHH Tương Lai chọn Đồng Nai để xây dựng nhà máy sản xuất là bởi đây là nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng, phù hợp để DN cung ứng sản phẩm cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Phương, cho biết: “Nếu như năm 2015, Đồng Nai mới có hơn 420 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNHT thì trong giai đoạn 2016 - 2019 tỉnh đã thu hút được trên 190 dự án thuộc ngành CNHT với tổng vốn đăng ký trên 1,6 tỷ USD”. Theo thống kê mới nhất, hiện nay, số DN có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực CNHT tại Đồng Nai là trên 664 DN, tập trung ở các nhóm ngành CNHT ngành Dệt may, Da giày, điện tử, Cơ khí chế tạo… Trong đó, doanh nghiệp CNHT có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm 77%, doanh nghiệp trong nước chiếm 23% trong tổng số DN ngành CNHT.
Hơn một năm qua, hoạt động của các DN nói chung và các DN CNHT nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu, song ước tính giá trị sản xuất của ngành CNHT tỉnh Đồng Nai năm 2020 vẫn đạt khoảng 211,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,89% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, việc phát triển ngành CNHT của Đồng Nai cũng vấp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử như việc phần lớn các doanh nghiệp CNHT trong nước chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, do doanh nghiệp ngành CNHT trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, năng lực sản xuất còn rất hạn chế, không đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, giá cả và thời gian giao hàng của các doanh nghiệp FDI, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực CNHT không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao còn thấp, chủ yếu là gia công và lắp ráp cụm linh kiện, sản xuất sản phẩm thâm dụng lao động là chính. Đội ngũ nhân lực có kỹ năng cao, đặc biệt là đội ngũ quản lý, kỹ sư và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao cũng còn hạn chế, dẫn đến hạn chế tiếp nhận chuyển giao công nghệ, năng suất lao động thấp.
Đồng Nai xác định ngành CNHT là ngành cần phát triển lâu dài
Hiện nay, trong nhóm các ngành công nghiệp mũi nhọn, Đồng Nai xác định ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành CNHT là những ngành công nghiệp cần phát triển lâu dài. Theo đó, nhằm thúc đẩy phát triển CNHT, tháng 4/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025 với nhiều mục tiêu như: Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT; tạo điều kiện để doanh nghiệp ngành CNHT, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có mặt bằng sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp; nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Tỉnh phấn đấu từ năm 2021 - 2025, tỷ lệ nội địa hóa của nhóm ngành CNHT theo danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển theo Quy định tại Nghị định 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ đến năm 2025 tăng bình quân từ 2 - 5%.
Liên quan đến các giải pháp kết nối, mở rộng thị trường cho ngành CNHT, ông Phạm Văn Cường, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, cuối tháng 10 vừa qua, Ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh đã ký thỏa thuận hợp tác với Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp - khu kinh tế thuộc các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong thời gian tới, chắc chắn danh mục các doanh nghiệp và sản phẩm của ngành CNHT ở Đồng Nai sẽ ngày càng dài thêm với công nghệ cao cấp hơn và danh sách khách hàng “nổi tiếng” hơn. Tại các khu công nghiệp lớn của TP. Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch… đã có các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay, linh kiện máy tính bảng, chỉ sợi công nghệ cao… cung ứng cho những tập đoàn lớn trên thế giới.
Lê Phương